Quyết tâm xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh

BẢO LAM 03/02/2024 06:58

Cần tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết được để xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.

>>Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030

Luận điểm này vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Điều này một lần nữa khẳng định việc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang chung sức đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ và thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn và thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tăng trưởng ấn tượng

Nhìn lại tiến trình lịch sử, có thể thấy trong 38 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó, nước ta đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%.

Đáng chú ý, trong những năm đại dịch COVID-19 hoành hành và hậu COVID-19, dù kinh tế toàn thế giới rất khó khăn nhưng năm 2022, GDP nước ta vẫn tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Năm 2023, dù vẫn chịu tác động của hậu đại dịch COVID-19, những xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, GDP nước ta vẫn tăng 5,05%; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD.

Theo số liệu của các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF..., tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Có thể khẳng định, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên rất nhanh. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, GDP Việt Nam chỉ khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN. Đến năm 2022, GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần, năm 2023 đạt hơn 430 tỷ USD. Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhanh nhất thế giới.

Chính những nỗ lực đổi mới trong 38 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trước đó. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD; năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp...

Đặc biệt, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao, chủ động tham gia và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam hiện đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế.

Việt Nam đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu.

>>“Sức sống” từ Nghị quyết 10-NQ/TW

Vững vàng vượt qua khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp. 

Bên cạnh đó, các cuộc xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc…

Ở trong nước, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Theo đó, thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn sẽ gặp nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự, an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân..

Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng ta là nhân tố quyết định mọi thắng lợi.

Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tình hình trên đây đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức. Mà trái lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khoá XIII và đến năm 2030.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, cần phải tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm Đại hội XIII của Đảng đã đúc kết được.

Thứ nhất, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Phải xác định nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Thứ ba, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển.

Thứ tư, tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý với Nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội...

Thứ năm, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng theo đúng tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ.

Đồng thời, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phát triển. Vượt qua những “cơn gió ngược”, nền kinh tế nước ta tiếp tục là một điểm sáng, duy trì đà tăng trưởng. Tăng trưởng GDP cả năm 2023 của Việt Nam đạt 5,05%. Các cân đối lớn được bảo đảm.

Đặc biệt, các chỉ số về nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách đều dưới ngưỡng và cách khá xa hạn mức Quốc hội cho phép; tỷ giá khá ổn định và lạm phát được kiểm soát bình quân 3 năm (2021-2023) khoảng 2,8% (dưới ngưỡng mục tiêu 4%).

Năm 2024 được dự báo sẽ còn khó khăn, thách thức. Song, sự kỳ vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới và đất nước cũng không hề nhỏ. Tin rằng, thành công trên thực tiễn cùng sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương sẽ là “đòn bẩy” đưa nền kinh tế Việt Nam vững đạt được các mục tiêu chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Tiêu dùng tư nhân là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế

    04:16, 09/01/2024

  • TP.HCM: Tìm giải pháp đúng hơn cho cho tăng trưởng kinh tế năm 2024

    12:17, 06/01/2024

  • 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024

    04:30, 06/01/2024

BẢO LAM