Năm 2024: Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp dệt may có đơn hàng
Để giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu cho năm 2024, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không còn lựa chọn nào ngoài hướng thực hiện phát triển bền vững và tuần hoàn trong kinh doanh, sản xuất.
>>Doanh nghiệp dệt may xây dựng nhiều giải pháp để giành lợi thế cạnh tranh
Xanh hóa ngành dệt may
Theo các doanh nghiệp dệt may, năm 2023 được cho rằng là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may. Nhưng năm 2024, doanh nghiệp may mặc của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sẽ áp dụng bởi hàng loạt những biện pháp rào cản thương mại như cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...Tất cả các quy định trên đã tạo ra những rào cản thương mại lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và dường như mọi quy tắc sẽ áp cho ngành dệt may xuất khẩu đều định hướng cho một công cuộc thời trang bền vững thay vì thời trang nhanh, rẻ như trước đây.
Đưa ra chiến lược cho hướng phát triển năm 2024, ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG cho biết: Doanh nghiệp may mặc Việt Nam không còn cách nào khác là phải tự vươn lên, hoàn thiện quy trình sản xuất xanh, nguyên liệu tái chế, áp dụng chuyển đổi số trong kinh doanh, sản xuất nhằm thích ứng giao hàng nhanh với đơn hàng lớn, nhỏ và đảm bảo chất lượng cao nhất.
Cụ thể với TNG, ông Thời chia sẻ, doanh nghiệp đã sớm nhận thức được công cuộc xanh hóa sớm của thế giới sẽ ảnh hưởng đến ngành dệt may trong nước nên TNG đã đi sớm một bước. Chẳng hạn như sử dụng một phần điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy để vừa có chứng chỉ xanh khi xuất khẩu vừa thực hiện được mục tiêu giảm phát thải trong sản xuất.
Đồng thời để giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, TNG và khách hàng của mình hướng tới kế hoạch sử dụng các nguyên phụ liệu vải sợi tái chế, thân thiện với môi trường. Theo đó hiện nay các nhà máy mới của TNG đều xây dựng theo hướng xanh hoá, đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà máy xanh như nhà máy TNG Võ Nhai đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) và LOTUS (hệ thống tiêu chí công trình xanh), nhà máy phụ trợ Sông Công đạt tiêu LOTUS.
Hiện tại TNG đã có nhà máy sản xuất bông, nguyên liệu cho sản phẩm may mặc nhà máy sản xuất thùng, túi đóng gói và cả 2 nhà máy này của TNG đều có những chứng nhận sản xuất các sản phẩm có thành phần tái chế thân thiện với môi trường. Nhà máy phụ trợ sản xuất phục vụ các khách hàng của TNG, ngoài ra sản phẩm bông của TNG đã xuất khẩu một số nước như Ấn Độ, Indo, Ethiopia…
Đưa ra nhận định đến công tác phát triển ngành dệt may trong năm mới, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho rằng, cạnh tranh hiện nay không chỉ dừng ở yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì tiêu chí phát triển bền vững cần được các doanh nghiệp dệt may chú ý hơn cả. Bởi năm 2024 hàng loạt quy định đưa ra với các ngành may xuất khẩu đều liên quan đến phát triển bền vững, đặc biệt là tại các thị trường lớn như, EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Theo ông Giang, các nhà nhập khẩu lớn yêu cầu cao về các chỉ số phát triển bền vững ESG và tiêu chuẩn LEED. Đơn cử như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Như vậy cho thấy mặc dù dệt may Việt Nam đã xuất khẩu được vào 104 thị trường, lãnh thổ nhưng để có đơn hàng và giành được lợi thế cạnh tranh thì doanh nghệp buộc phải chuyển đổi sang quy trình sản xuất phát triển bền vững.
Đồng quan điểm với đại diện VITAS một doanh nghiệp xuất dệt may lớn tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Để tìm cơ hội trong thách thức, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động thích ứng với nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới. Thực hiện giảm phát thải bằng cách chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng mới mà cách doanh nghiệp lớn đã áp dụng cách đây từ 3 – 4 năm về trước.
Chính sách cho ngành dệt may
Trước những quy định áp tiêu chí cho doanh nghiệp dệt may như trên, đại diện VITAS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 để hình thành các tổ hợp, các khu công nghiệp dệt nhuộm lớn tại một số địa phương có đủ điều kiện. Đặc biệt, chỉ thu hút các dự án đầu tư sợi, dệt nhuộm công nghệ cao, tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, môi trường.
“Thực hiện được điều này mới nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế, đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng lợi thế thuế quan giảm dần theo lộ trình về 0% của các FTA, ngành dệt may phải giải quyết được điểm nghẽn về vấn đề sản xuất sợi chất lượng cao, vải, nhuộm hoàn tất. Bởi chuyển đổi sản xuất xanh chính là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng bắt nhịp lại cuộc đua xuất khẩu với những đối thủ cạnh tranh”- đại diện VITAS cho biết.
Về thuế phí, VITAS mong muốn Nhà nước bỏ quy định nộp VAT cho nguyên phụ liệu mua bán phục vụ xuất khẩu trong chuỗi cung ứng. Vì việc hình thành các chuỗi cung ứng trong nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, sử dụng bán thành phẩm của nhau để sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế VAT 10%, sau khi xuất khẩu xong mới làm thủ tục hoàn thuế. Việc này khiến các doanh nghiệp phải vay ngân hàng và chờ thủ tục hoàn thuế rất lâu, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. Những bất cập này khiến nhiều doanh nghiệp chỉ lựa chọn hình thức gia công thay vì phát triển một chuỗi hoàn tất phục vụ cho sản xuất xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng được những ưu thế cạnh tranh khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm rác thải nhà kính. Trong đó cần đầu tư vào quản trị số, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp trong sản xuất thời trang.
Trong đó, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, xu thế số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào cao. Cùng với đó là rủi ro nghĩa vụ trả nợ, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm. Xu hướng chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh… là những vấn đề đặt ra với dệt may thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp dệt may xây dựng nhiều giải pháp để giành lợi thế cạnh tranh
04:30, 28/01/2024
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực xanh hóa sản xuất
04:27, 27/01/2024
Gỡ khó chính sách thuế để thúc đẩy ngành dệt may phát triển
04:00, 27/01/2024
Dự báo ngành dệt may sẽ phục hồi chậm hơn dự kiến
04:30, 18/01/2024
Kỳ vọng lớn của ngành dệt may trong năm 2024
03:20, 07/01/2024