Yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp phát triển bền vững

TUẤN VỸ thực hiện 11/02/2024 02:30

Chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp cân bằng hài hòa giữa phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, môi trường nhằm hướng đến phát triển bền vững.

>>Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp

Theo bà Huỳnh Thị Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech từ bước đi chuyển đổi xanh sẽ tạo ra thách thức lẫn cơ hội với doanh nghiệp và các đơn vị cần kiên định trong suốt hành trình chuyển đổi.

a

Bà Huỳnh Thị Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ số cộng hưởng Echotech.

- Thưa bà, câu chuyện chuyển đổi xanh – carbon thấp đang được cả thế giới quan tâm, đặc biệt là thay đổi trong hoạt động của các doanh nghiệp. Đánh giá của bà về vấn đề này ra sao?

Trước tiên, tôi nêu lại định nghĩa về chuyển đổi xanh “Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế làm suy giảm hệ sinh thái môi trường đa dạng, tức là kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo chất lượng sống cao cho thế hệ hiện tại và tương lai”. Theo định nghĩa thì rõ ràng, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp bắt nguồn từ việc tăng trưởng kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường, giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C.

Hành động cụ thể thực chất rất đơn giản bao gồm tiết kiệm năng lượng (cụ thể điện năng tiêu thụ trong nhà máy, văn phòng), sử dụng năng lượng tái tạo – năng lượng gió, mặt trời. Cùng với đó là giảm rác, phân loại rác tại nguồn, giảm tiêu thụ nước, giảm dần đến không sử dụng túi nilong,...

Chuyển đổi xanh không những giúp doanh nghiệp xây dựng nền kinh tế tăng trưởng cân bằng hài hoà với yếu tố xã hội và môi trường, nếu đảm bảo cân bằng 3 yếu tố đó thì bền vững sẽ ở lại với doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh hơn, giành được sự tin cậy của đối tác, khách hàng, quản lí tốt rủi ro, tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút và giữ nhân tài.

Đối với môi trường, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhân loại phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh và thiên tai liên tục xảy ra với quy mô và cường độ ngày càng lớn và dày, việc này đã làm gián đoạn lớn cuộc sống nhân loại. Chuyển đổi xanh là câu trả lời về một tương lai phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, trả lại màu xanh cho ngôi nhà chung.

- Việc chuyển đổi xanh cũng được xem là nền móng để xây dựng doanh nghiệp bền vững. Vậy để tiệm cận hơn và xây dựng kế hoạch cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp nên bắt đầu tư đâu, thưa bà?

Nói dễ hiểu, chuyển đổi xanh là thực hiện 3 tiêu chí phát triển bền vững ESG. Trong đó, E là môi trường, S là xã hội, G là quản trị. Thực tế, việc thực hành chiến lược ESG thực chất không quá phức tạp và khó khăn như nhiều doanh nghiệp đang nhận định. Tùy vào nguồn lực và quy mô, các doanh nghiệp có thể lên phương án hành động phù hợp. Xuất phát từ các hành động đơn giản, doanh nghiệp sẽ bắt đầu làm quen và gia tăng quy mô, lan tỏa nghĩa vụ và trách nhiệm đến các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của mình.

Về yếu tố E (môi trường) sẽ bắt đầu từ những bước nhỏ như sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng các sản phẩm xanh, không sử dụng túi nilong,… là doanh nghiệp đã tiến một bước dài trong hành trình xanh hóa so với phần còn lại. Thay đổi cách nhìn, hành vi khi phân loại rác, gia tăng hoạt động tái chế, từ chối sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, cắt giảm việc tiêu thụ sản phẩm không cần thiết sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực ngay trong ngắn hạn, thúc đẩy doanh nghiệp kiên trì theo đuổi con đường ESG.

Về yếu tố S (xã hội), song hành với mục tiêu phát triển kinh tế, kiến tạo xã hội bình ổn, văn minh cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong thời đại hiện nay. Việc xây dựng môi trường làm việc lành mạnh thúc đẩy điều kiện làm việc tốt cho người lao động và cho các nhân viên làm việc thuộc chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, hay không sử dụng lao động là trẻ em dưới độ tuổi lao động, tăng cường cơ hội việc làm cho phụ nữ, người yếu thế, gia tăng đào tạo và tạo cơ hội cho nữ quản lý tham gia vào các bộ máy lãnh đạo cấp cao như thành viên ban điều hành, hội đồng quản trị.

a

Bắt đầu từ những bước nhỏ như sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng các sản phẩm xanh, không sử dụng túi nilong,… là doanh nghiệp đã tiến một bước dài trong hành trình xanh hóa so với phần còn lại. 

Về yếu tố G (quản trị), đa số doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc tuân thủ quy định pháp lý và vẫn còn xa lạ với khái niệm quản trị vượt lên trên sự tuân thủ, áp dụng các thông lệ quản trị tốt. Trên con đường đi tới phát triển bền vững, yếu tố quản trị công ty hiệu quả, có văn hóa doanh nghiệp nơi hội đồng quản trị hiểu và làm đúng vai trò của mình là điều kiện không thể thiếu.

Thêm vào đó, doanh nghiệp nên tận dụng các công cụ kỹ thuật mang tính số hóa, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành bằng sức người trong chính doanh nghiệp. Những hoạt động kể trên tuy đơn giản, nhưng cần được bắt đầu từ chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp và được khởi xướng từ ban lãnh đạo.

- Là một nhà tư vấn trong lĩnh vực này, theo bà cộng đồng doanh nghiệp sẽ đối mặt với những khó khăn, thách thức thế nào?

Theo tôi, thách thức lớn nhất là sai lầm trong nhận thức về chuyển đổi xanh, thực hành tiêu chí ESG của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp luôn nghĩ chuyển đổi xanh là tốn kém, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thường phải lo tìm kiếm lợi nhuận, tối ưu lợi nhuận trước đã.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh không quá phức tạp như doanh nghiệp nghĩ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc chuyển đổi xanh lại càng dễ dàng hơn. Thực hiện các thay đổi nhỏ như tôi đã nêu ở trên có thể gây tốn kém, khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, cắt giảm chi phí vận hành, giảm lãng phí về nguồn nước, tiết kiệm nguyên vật liệu đầu vào, tối ưu chuỗi cung ứng, nhận diện các lĩnh vực tiềm năng để thiết kế các dòng sản phẩm sinh thái.

a

Doanh nghiệp nên tận dụng các công cụ kỹ thuật mang tính số hóa, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành bằng sức người trong chính doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tránh được các loại thuế, phí liên quan đến các-bon và chất thải trong tương lai, từ đó tối ưu hoạt động và lợi nhuận.

- Để chuyển đổi xanh thực sự mang lại hiệu quả nhất định, theo bà cần có những giải pháp tối ưu nào?

Để chuyển đổi xanh thực sự hiệu quả, trước tiên doanh nghiệp phải hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì, 3 tiêu chí phát triển bền vững ESG là gì, từ đó từng bước áp dụng 3 tiêu chí đó vào vận hành dn và tổng hợp 3 tiêu chí theo thang điểm đã có về ESG để đánh giá được độ bền vững của doanh nghiệp.

Và việc học tập, cập nhật kiến thức về ESG, về khí nhà kính cho doanh nghiệp và đội ngũ của doanh nghiệp là cần thiết để công cuộc chuyển đổi xanh trong đó chung tay bảo vệ môi trường được diễn ra đồng bộ. Về định hướng thì mỗi dn có định hướng riêng, tuy nhiên mọi định hướng đều nên thực hiện trên 3 tiêu chí ESG, đánh giá rủi ro của doanh nghiệp trên thang điểm ESG là mấu chốt cho dn định vị thương hiệu trong nước và là cơ hội hội nhập nền kinh tế thế giới.

Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp tận dụng lợi thế tiên phong chuyển đổi xanh

    Doanh nghiệp tận dụng lợi thế tiên phong chuyển đổi xanh

    02:00, 16/01/2024

  • Tại sao phải hạch toán vốn tự nhiên cho yêu cầu chuyển đổi xanh?

    Tại sao phải hạch toán vốn tự nhiên cho yêu cầu chuyển đổi xanh?

    02:00, 15/01/2024

  • Ba thách thức của doanh nghiệp Việt khi chuyển đổi xanh

    Ba thách thức của doanh nghiệp Việt khi chuyển đổi xanh

    03:00, 12/01/2024

  • Tầm nhìn xanh để chuyển đổi xanh ngành công nghiệp

    Tầm nhìn xanh để chuyển đổi xanh ngành công nghiệp

    05:00, 24/12/2023

TUẤN VỸ thực hiện