Phát huy nội lực - liên kết toàn diện
Năm 2024, ngành dệt may phấu đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
>>Năm 2024: Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp dệt may có đơn hàng
Chia sẻ với DĐDN, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) khẳng định, bên cạnh chiến lược chung của ngành, mỗi doanh nghiệp phải phát huy được “nội lực”, đi bằng chính “đôi chân” của mình, liên kết toàn diện tạo sức mạnh cộng hưởng cho hiện thực mục tiêu năm 2024.
- Thưa ông, Dệt may đã có một năm đầy thách thức, cạnh tranh gay gắt trên thị trường, vậy bài học rút ra là gì?
Năm 2023, ngành Dệt may đã rút ra được bài học rất lớn từ thị trường và cũng là cơ sở để chúng tôi chủ động đưa ra các giải pháp vượt qua thách thức trong năm 2024.
Thứ nhất, chúng ta phải đa dạng hoá được thị trường trong bối cảnh thị trường toàn cầu giảm sâu, đặc biệt là các thị trường lớn truyền thống. Thứ hai, phải đa dạng hoá được dòng sản phẩm. Thứ ba, đa dạng hoá được đối tượng khách hàng. Thứ tư, xây dựng liên kết chuỗi. Liên kết chuỗi tạo ra chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh khó khăn.
Năm 2023 dù sụt giảm nhưng nhiều doanh nghiệp có những đơn hàng cực kỳ tốt, số lượng rất lớn. Chính liên kết chuỗi đã tạo ra giải pháp cho các đơn hàng này trong thời gian giao hàng ngắn, giúp chúng ta có được tăng trưởng khả quan của năm 2023.
Thứ năm, bài học về tầm nhìn và giải pháp. Tầm nhìn chiến lược cho ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh nhiều thách thức của địa chính trị thế giới cũng như hàng loạt các đòi hỏi, các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu được áp dụng như thị trường châu Âu chẳng hạn.
- Trên nền tảng những bài học đã rút ra và bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, ngành có giải pháp gì để hiện thực mục tiêu tăng trưởng năm 2024, thưa ông?
Năm 2024, ngành dệt may phấu đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Để hiện thực mục tiêu này trong bối cảnh nhiều thách thức, ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.
Giải pháp thứ nhất, từ thực tiễn của năm 2023 từ đó nhìn ra những cơ hội, thách thức và rút ra bài học lớn về giải pháp trọng tâm đó là liên kết chuỗi, đây là bài học cực kỳ lớn. Liên kết chuỗi tạo ra sự chia sẻ lẫn nhau cho ngành công nghiệp sợi, công nghiệp nhuộm và công nghiệp dệt may. Đặc biệt từ liên kết chuỗi rút ra bài học trong mô hình quản trị của các doanh nghiệp.
Giải pháp thứ hai, đa dạng hoá thị trường đã có của năm 2023 từ đó thúc đẩy thị trường năm 2024 bằng những hành động cụ thể nhất. Trong đó, trọng tâm tập trung vào các thị trường truyền thống. Bởi, hiện các thị trường này đã tăng trưởng dương trở lại.
Giải pháp thứ ba, tập trung vào công nghệ, quản trị số. Càng minh bạch chúng ta càng có được niềm tin của nhà mua hàng, càng minh bạch càng kiểm soát được yếu tố đầu vào, tiết giảm được chi phí, hạn chế rủi ro.
Giải pháp thứ tư, thực hiện giải pháp bán hàng ODM, OBM và FOB. Giải pháp này tính đến nâng cao “nội lực” của từng doanh nghiệp. “Nội lực” là cực kỳ quan trọng, chúng ta phải đi bằng chính “đôi chân” của mình để ổn định và thành công trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Giải pháp thứ năm, chuyển đổi số, xanh hoá sản xuất, phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng, đây là giải pháp liên quan đến tính ổn định đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm thân thiện môi trường là sản phẩm mà ngành dệt may phải tập trung trong năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Đặc biệt, ngành Dệt may chỉ đưa ra được chiến lược chung, còn mỗi doanh nghiệp phải tự nhìn ra “nút thắt” và đưa ra giải pháp của riêng mình. Điều quan trọng nhất, trước thách thức toàn cầu, đòi hỏi chúng ta phải chủ động nắm bắt những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, trước đòi hỏi của người tiêu dùng và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật mà các thị trường đặt ra.
- Ông vừa nhấn mạnh tới giải pháp liên kết chuỗi, liên kết toàn diện, vậy chúng ta sẽ thúc đẩy giải pháp này cụ thể thế nào trong năm tới, thưa ông?
Thời gian qua, liên kết toàn diện chúng ta đã rất thành công. Trước hết, chúng ta đã sử dụng dịch vụ và sản phẩm của nhau nhiều hơn. Đồng thời, đã và đang thúc đẩy liên kết chuỗi trong công nghệ, quản trị số và bài học của mỗi doanh nghiệp được đưa ra tại các diễn đàn, hội thảo để chia sẻ học hỏi lẫn nhau trong mô hình quản trị số.
Đặc biệt, chúng ta phải thực hiện nền tảng về hội nhập toàn cầu thông qua mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, tổ chức đánh giá. Hiệp hội luôn là cầu nối để doanh nghiệp chia sẻ và lắng nghe, tiếp cận các hoạt động của các tổ chức quốc tế đã và đang triển khai tới từng lĩnh vực của ngành công nghiệp dệt may và nó sẽ là tiền đề phát triển của năm 2024.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Năm 2024: Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp dệt may có đơn hàng
11:30, 05/02/2024
Doanh nghiệp dệt may xây dựng nhiều giải pháp để giành lợi thế cạnh tranh
04:30, 28/01/2024
Doanh nghiệp dệt may nỗ lực xanh hóa sản xuất
04:27, 27/01/2024
Gỡ khó chính sách thuế để thúc đẩy ngành dệt may phát triển
04:00, 27/01/2024