Hải Phòng: Bảo đảm nguồn hàng hoá dồi dào dịp Tết Nguyên đán
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng đã chủ động xây dựng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dựa trên nhu cầu tiêu thụ hàng năm để phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán 2024.
>>>Hải Phòng: Tạo cú hích cho du lịch bứt phá
>>>Hải Phòng: Đôn đốc chống thất thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển
Thị trường sôi động
Theo Sở Công thương Hải Phòng, nhu cầu, thị trường hàng hoá trên địa bàn TP Hải Phòng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 dự báo sẽ sôi động hơn, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Đến thời điểm hiện tại, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố ổn định; giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp cung ứng lớn trên địa bàn thành phố bắt đầu tăng. Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, chợ trên địa bàn TP Hải Phòng, hàng hóa dồi dào, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Theo Sở Công thương Hải Phòng, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn TP Hải Phòng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dựa trên nhu cầu tiêu thụ hàng năm và sức mua hiện tại. Các doanh nghiệp như hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp đầu mối phân phối các mặt hàng thiết yếu đều có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng trung bình 5-10% so với cùng kỳ; riêng siêu thị Aeon Hải Phòng Lê Chân có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 20% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Số chuyến hàng do doanh nghiệp trong và ngoài thành phố thực hiện thông qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tính từ ngày 1/12/2023 đến hết ngày 25/1/2024 là trên 30 chuyến hàng.
“Đến nay, tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP Hải Phòng ổn định; giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, các doanh nghiệp cung ứng lớn trên địa bàn thành phố không có tăng giá đột biến do nguồn cung các mặt hàng phong phú, đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngoài ra, tại các siêu thị đều triển khai các hình thức bán hàng theo phương thức thương mại điện tử nhằm đa dạng hóa hình thức mua sắm của người dân”, đại diện Sở Công thương Hải Phòng cho biết.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Ngô Thị Minh Thu – Giám đốc Trung tâm bách hoá Tổng hợp và siêu thị Aeon Việt Nam chi nhánh Hải Phòng cho biết: “Trong năm vừa qua, kinh tế không khởi sắc lắm nên sức mua cũng giảm. Phía Aeon cũng rất nỗ lực để giữ tình hình kinh doanh của mình ở mức ổn định và có mức tăng nhẹ. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần trước, cửa hàng ghi nhận mức tăng khách hàng và tăng doanh thu rất đáng kể, như cuối tuần trước đã tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Bắt đầu từ tuần này, mức tăng ghi nhận từ 10-20%. Trong những ngày tới sẽ bước vào đợt mua sắm kỷ lục, tôi hy vọng mức tăng sẽ tăng đột biến và con số tăng trưởng sẽ đạt mức 120%”.
Thường xuyên đánh giá nguồn hàng
Trước nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, để đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hoá, không để xảy ra việc “sốt” giá cục bộ hoặc tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán 2024, phía các đơn vị liên quan tại TP Hải Phòng thường xuyên theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua. Từ đó, chủ động có phương án hoặc đề xuất các cơ quan chức năng thực hiện biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Cùng với đó, công tác chống buôn lậu, đảm bảo an toàn thực phẩm các tháng cuối năm cũng được địa phương này triển khai quyết liệt.
Theo Cục Quản lý thị trường Hải Phòng, đơn vị sẽ tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm liên quan hàng hoá là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá và người tiêu dùng để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khoẻ người tiêu dùng.
Được biết, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đã có Chỉ thị 04/CT-UBND yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện tập trung thực hiện, tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, Chỉ thị yêu cầu Sở Tài chính tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng; không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thời điểm Tết để tăng giá dây chuyền, tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Đồng thời, giao Sở Công Thương chủ trì cùng các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường theo Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 6/12/2023 của UBND TP Hải Phòng…
Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng cho biết: “Ngay từ đầu tháng 12/2023, UBND TP Hải Phòng đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Cùng với đó, Sở Công thương cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với Cục quản lý thị trường, các ngành của thành phố, trong đó rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị của các đơn vị phân phối, cơ sở bán lẻ trên địa bàn. Qua kiểm tra, các điểm bán lẻ, chợ dân sinh và trung tâm thương mại, đơn vị kinh doanh rất nghiêm túc thực hiện công tác bình ổn giá đã cam kết với thành phố. Qua những bảng giá đoàn công tác kiểm tra, có những mặt hàng giảm từ 5-20%. Đây cũng khẳng định sự cam kết, đồng lòng phối hợp của các doanh nghiệp đối với thành phố cũng như chính sách của Chính phủ, Bộ Công thương để đảm bảo thị trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp lễ tết, đặc biệt là chuẩn bị đón xuân Giáp Thìn năm 2024”.
Có thể bạn quan tâm