TP.HCM: Liên tiếp bắt giữ và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm giả những ngày giáp Tết
Gần 60.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá trên 5,5 tỷ đồng, buộc phải tiêu huỷ vì là hàng giả, kém chất lượng trong những ngày giáp Tết.
>>QLTT TP.HCM: Kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại
Cụ thể, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, Cục Quản lý thị trường TP.HCM liên tiếp thực hiện giám sát buộc tiêu hủy gần 60.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm. Trong đó, tại Nhà máy xử lý và tái sinh chất thải Công ty Cổ phần Môi Trường Việt Úc (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phối hợp các đơn vị chức năng chứng kiến việc tiêu hủy hàng hóa đối với 17.435 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm, có tổng trị giá hơn 400 triệu đồng.
Số hàng hóa vi phạm này thuộc 30 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Chủ tịch UBND TP.HCM, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 12 ban hành.
Đáng chú ý, hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy chủ yếu là quần áo, vớ, dép, đồ chơi trẻ em, bộ cáp sạc điện thoại, miếng dán móng tay nghệ thuật giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel, Apple, Adidas, Nike; mỹ phẩm (dầu gội, mặt nạ, son môi, gel rửa mặt…), thực phẩm (hạt bí, hạt điều, khô gà, bánh, kẹo, mứt đào, me trộn đường, rượu, bia…) nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Nhiều sản phẩm là Rượu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.
Liên quan tới kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng hoá dịp Tết Nguyên đán, trước đó, ngày 1/2/2024, tại Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM, Đội Quản lý thị trường số 16, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng đã tiến hành giám sát tiêu hủy 1.568 đơn vị sản phẩm đồ chơi trẻ em; 288 cái bánh bông lan; 1.920 gói rong biển ăn liền các loại, không hiệu, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không rõ chất lượng, chưa qua sử dụng với tổng trị giá là gần 62,5 triệu đồng.
Tương tự, ngày 31/1/2024, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng tổ chức giám sát buộc tiêu hủy trên 38.500 đơn vị sản phẩm tang vật nhập lậu là thuốc phòng bệnh, thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng với tổng giá trị hàng hóa hơn 5,1 tỷ đồng.
Phương thức tiêu hủy số sản phẩm này được áp dụng là xay nhuyễn, hủy hình dạng ban đầu, đốt hủy trực tiếp trong lò đốt 2 cấp ở nhiệt độ cao có hệ thống xử lý đồng bộ. Toàn bộ quá trình tiêu hủy được lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ theo đúng quy định. Phương thức tiêu hủy số sản phẩm này được áp dụng là xay nhuyễn, hủy hình dạng ban đầu, đốt hủy trực tiếp trong lò đốt.
>>Chặn “tham nhũng vặt” trong quản lý thị trường
Liên quan đến các giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng hoá trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cho biết: song song với công tác tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết. Việc thực hiện giám sát buộc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là một trong những nhiệm vụ thực hiện đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Cũng theo ông Huy, Tết Nguyên đán đang đến gần, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng thì người dân cũng cần nâng cao ý thức đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hãy là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân trong gia đình. Đặc biệt đối với mặt hàng thuốc tân dược và thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng…
Theo ông Huy, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Trong đó tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trên thị trường; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể bạn quan tâm
QLTT TP.HCM: Kiên quyết ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại
02:30, 10/10/2023
Vì sao Cục trưởng QLTT Ninh Bình bị khởi tố?
23:29, 25/02/2022
Cục QLTT Hà Nội thu giữ gần 4.700 sản phẩm “nhái” tại Ninh Hiệp
16:29, 04/06/2020
QLTT kiên quyết với đầu cơ, găm hàng thiết bị y tế
17:04, 27/02/2020
Bộ Công Thương lên tiếng vụ Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hải Dương "vòi tiền"
14:05, 12/02/2020