Nửa ngày ở “cổng trời” A Đớt
Hơn 100km để đến với miền Tây xứ Huế chẳng hề bỏ công bởi những thứ "thu hoạch" được thật quý giá với những người 'làm nghề" trẻ tuổi.
>>Cục Hải quan Thừa Thiên Huế: Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Tháng 12, những cơn mưa rừng Trường Sơn vẫn còn sót lại rả rích rơi rớt hóa thành hơi nước mù mịt phủ kín con đường độc đạo nhỏ bé xíu như muốn ngăn cản bước chân người đi. Ở đó, cửa khẩu A Đớt, A Lưới - Thừa Thiên Huế, bên này là nước chúng mình, bên kia biên giới bạn Lào anh em!
Trong khu nhà hai tông màu xanh trắng đặc trưng, anh Lê Chí Vinh - Chi cục trưởng, vóc người đậm, rắn rỏi, nom rất bản lĩnh, cùng anh em Chi cục Hải quan A Đớt cố dằn bụng,…đợi chúng tôi đến lỡ bữa cơm trưa. Một bàn tròn bày sẵn - quả thật, sau hành trình vượt núi đến lả người, chỉ mong có thế!
Ai cũng cồn cào “cái bụng” nên có lẽ khâu chào hỏi rút gọn, vừa ăn vừa chào hỏi. Sau mấy chén cơm với thịt, rau rừng đã ấm cật, nên thần thái ai nấy bốc hẳn, câu chuyện bắt đầu rôm rả.
Được biết bữa cơm đãi chúng tôi ngon hơn hẳn ngày thường, giàu đạm và rất thực tế chứ không hoa mĩ màu mè như cơm phố. Hoàn toàn là “cây nhà lá vườn”, vịt gà tự tăng gia sản xuất, rau rừng mọc sau vách núi nhiều vô kể, “trèo” vào phòng làm việc; thi thoảng dân bản mổ trâu, bò thì mua về cấp đông ăn dần.
Là “cán bộ đường lối” nên tôi nhịn miệng “không uống”, định đứng dậy đi ra ngoài ngó nghiêng chút, anh đầu bếp kiêm quản gia lập tức đưa ra lời khuyên: Cẩn thận kẻo vắt rừng “inbox” vào vùng kín. Tôi rợn người không dám ra khỏi căn phòng. Hóa ra ở đây ẩm ướt nên vắt nhiều như rươi, chúng bám vào lũ chó “di cư” vào cơ quan, mai phục ở kẽ tường chờ cơ hội để biến mình từ que tăm thành cỡ ngón tay người!
Khu vực này hiếm hoi lắm mới thấy bóng người, chợ búa xa lắc xa lơ, thuốc men phải ra ngoài thị trấn. Tôi thoáng thấy ái ngại, nhỡ ốm đau đột xuất…! Anh Vinh xua tay nói: Anh em quen rồi, trời thương mà! Từ ngày lên đây nhận nhiệm vụ, việc học hành của con cái, tình cảm vợ chồng đều “chỉ đạo” online!
Cửa khẩu A Đớt hầu như không có hoạt động thương mại, xuất nhập cảnh, mỗi năm chỉ….vài tờ khai “xuất khẩu” điện tầm 200 USD. Nói xuất khẩu điện cho oai chứ thực ra là tạo điều kiện chiếu sáng sinh hoạt cho mười mấy gia đình bên Lào qua đường dây dẫn bé bằng đầu đũa.
Theo cách so sánh của chúng tôi, nghĩ cũng cám cảnh, bởi lẽ có xe, có người, có hàng hóa thì anh em còn có thêm cái rau, con tép mà cánh tài xế, lái buôn yêu mến tự nguyện.
Nhưng, cán bộ Hải quan A Đớt còn cáng đáng thêm nhiệm vụ không kém quan trọng, đó là công tác dân vận - tư tưởng vùng biên. Ở đây điều kiện quá đặc thù nên dân, quân, chính dường như là một. Việc của dân cũng là việc của cán bộ, có vô số sự việc nhỏ nhặt âm ỉ mà người đồng bào cần được soi chiếu dưới ánh sáng văn minh, đối nhân xử thế theo luật pháp.
Giữa thâm sơn cùng cốc muỗi, vắt còn đói kém thì thật khó để làm ngơ trước nhân tình thế thái, dẫu gì khi khoác lên mình màu sắc phục họ cũng là người uy tín và hiểu biết hơn. Thế là trong bản xảy ra chuyện cán bộ Hải quan làm “trọng tài” hòa giải, lâu dần có người bất đắc chí trở thành “luật sư”, “bảo mẫu”, “hướng đạo sinh”. Nhờ vậy, không ít sự vụ được ngăn chặn từ đầu.
Xong bữa cơm, lại có quà biếu mấy chai mật ong rừng lận lưng, chúng tôi được anh Trần Công Hùng, Chi cục phó lái xe chở đi tìm “thủ phạm” khiến cửa khẩu A Đớt không thể sánh vai cùng chị cùng em trong khu vực miền Trung. Thế là đoàn 4 người cùng nhau…ra nước ngoài một phen!
Đến khu nhà làm việc của lực lượng chức năng sát biên giới Việt - Lào cách trụ sở Chi cục không xa, anh em biên phòng, Hải quan ở đây thật dạt dào tình cảm, họ tay bắt mặt mừng, ríu rít trò chuyện như lâu lắm chưa thấy người dưới xuôi lên thăm.
>>Thừa Thiên Huế: Kiến tạo môi trường đầu tư tăng trưởng xanh
Một đồng chí sĩ quan biên phòng trẻ măng mang quân hàm Thượng úy ra mở barie chờ sẵn. Trước mặt là cột mốc biên giới số hiệu “666” “năm 2009” khắc lên phiến đá Granit màu hoa cà thiêng liêng đánh dấu chủ quyền quốc gia, hai lá quốc kỳ Lào - Việt được vẽ vào bức tường bê tông vững chãi.
Đặt bàn chân lên hòn đất nơi biên cương mà lòng bùi ngùi khó tả, tôi cố lục lại chút kiến thức lịch sử ít ỏi đã từng nghe qua những trận đánh kinh hoàng, tàn khốc tại những địa danh đã đi vào sử sách cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước như: A Sầu, A Roàng, đồi A Biah (đồi Thịt Băm - Hamburger Hill), địa đạo Động So, sân bay A So, đường mòn Hồ Chí Minh...trên dải đất miền Tây Thừa Thiên Huế.
Bước khẽ, nói nhẹ vì biết đâu dưới thảm cỏ kia còn đó các anh hùng đã thầm lặng hy sinh chưa tìm thấy, và chắc chắn rằng mảnh đất này có máu xương tiền nhân thấm vào đất, hóa thành cây, chụm thành núi vút lên cao diệu vợi.
Trạm công an Lào gần đó cũng chẳng buồn canh gác xét hỏi, anh Hùng lý giải, lực lượng cán bộ các ngành Lào - Việt sát biên giới thân nhau như người một nhà, với lại hiếm khi người lạ ra vào khu vực này, thỉnh thoảng dân bản hai bên qua lại bán mớ khoai, cân sắn, mấy con chim chào mào.
Hành trình vài km vào đất Lào trên con đường mòn cấp phối bé như cái sóng dao, lá rừng phủ kín lối mòn chạy quanh co, hiếm hoi lắm mới thấy một vài ngôi nhà sàn đơn giản, đến một con đập tràn chạy qua suối chúng tôi dừng lại và quay đầu trở về.
Anh Hùng kể, mỗi lần có việc phải công cán sang tỉnh lị nước bạn, trên con đường bất đắc dĩ này đoàn đi về mất mấy ngày, phải là xe gầm cao hai cầu, máy khỏe chứ xe bình thường không đi được! Đúng là “lá rừng che kín đường về phồn hoa”.
Thế là rõ rồi! Giao thông thế này thì làm sao hàng hóa lưu lượng lớn có thể lưu thông; xuất nhập khẩu vì thế cũng tắc nghẽn, doanh nghiệp khai thác than, đá, gỗ, nông sản từ tỉnh Sekong, Salavan (Lào) chọn hướng đi về phía Quảng Trị qua cửa khẩu Lao Bảo, La Lay - tuy xa hơn nếu về A Đớt - nhưng đường sá thuận lợi.
Chiếc xe công vụ lặc lè đưa chúng tôi băng rừng trở lại cửa khẩu. Một nhóm thanh niên xúm tròn bên mấy cái lồng chim chào mào, anh Hùng giải thích, người dân sát biên giới bẫy chim rừng sang đây tìm khách chơi làm cảnh, giá một đôi rẻ hơn nhiều so với dưới thành phố.
Đó là hoạt động “kinh tế” duy nhất mà chúng tôi tận thấy sau mấy tiếng đồng hồ đến đây. Dẫu thế các anh vẫn hy vọng một ngày nào đó tuyến đường phía nước bạn Lào rộng mở để A Đớt thay thịt đổi da.
Bịn rịn chia tay nhau khi bóng chiều loang lổ, từng vạt nắng từ bên kia biên giới cố len qua làn mây mỏng hắt xuống những quả đồi “da báo”, vẽ nên bức tranh miền biên viễn, chỗ đậm chỗ nhạt, nhấp nhô trùng điệp, đượm màu quan san. Chúng tôi lại ngược ra thị trấn tìm chỗ nghỉ ngơi để sáng mai “lên đỉnh Hồng Vân”.
Có thể bạn quan tâm
Đấu tranh chống buôn lậu từ lực lượng Hải quan
15:03, 12/01/2024
Xây dựng Hải quan thông minh tại các khu vực cảng biển quốc tế
17:24, 21/12/2023
Đối thoại chính sách thuế - hải quan: Nhiều vấn đề được tháo gỡ…
12:59, 18/12/2023
Đối thoại Thuế - Hải quan 2023: Tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp
14:49, 19/12/2023
Hải quan đơn giản hóa thủ tục giải đáp mọi lúc, mọi nơi tạo thuận lợi thương mại
18:05, 05/12/2023