Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Những khuyến nghị xây dựng Thương hiệu vùng ĐBSCL
Để việc xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm của ĐBSCL đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp...
>>>Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023
LTS: Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 do Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện. Chủ đề của Báo cáo năm nay là “Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng”. VCCI thực hiện xây dựng và công bố báo cáo này theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế xã hội. Nghị quyết 57 có nêu rõ trách nhiệm của VCCI “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng, về hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết vùng của từng địa phương”.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung tóm tắt báo cáo thường niên, ấn phẩm có giá trị quan trọng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các cơ hội, thách thức lớn tác động đến kinh tế của vùng, giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng chương trình hành động để thích ứng, cùng thúc đẩy vùng đồng bằng này phát triển ổn định và bền vững.
Một số nỗ lực xây dựng thương hiệu chung cho nông sản ở ĐBSCL
Kinh nghiệm thị trường quốc tế cho thấy việc xây dựng thương hiệu chung cho các nhóm, ngành sản phẩm trước hết phải được nhìn từ góc độ thương mại hóa hướng đến xuất khẩu. Các nhà mua hàng thường tìm đến Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng hay Việt Nam nói chung như một thị trường giàu tiềm năng nhờ sự đa dạng về nông sản nhưng thiếu sự bảo chứng thương hiệu và lượng hóa chất lượng, mà đây lại là những tiền đề đầu tiên phải vượt qua khi xuất khẩu. Do vậy, nếu “thương hiệu chung” cho nông sản ĐBSCL không phát huy được gì trong việc nâng cao giá trị nông sản khi thương mại hóa hay xuất khẩu thì dù có thương hiệu cũng vô ích.
Hoạt động xây dựng thương hiệu chung cho vùng khác hẳn so với việc từng doanh nghiệp đơn lẻ tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của riêng mình vì nó đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn, gắn với chiến lược phát triển thị trường cho một ngành sản xuất, hay cho một nhóm sản phẩm ở cấp độ địa phương hoặc quy mô địa lý rộng lớn hơn, của một vài địa phương có chung điều kiện môi trường tự nhiên, hoặc bí quyết kỹ thuật, để sản xuất được loại nông sản nào đó với đặc trưng chất lượng riêng biệt. Do đó, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất - kinh doanh, hoạt động xây dựng thương hiệu chung cần có sự chủ động tham gia của các nhà làm chính sách trong việc quy hoạch, tạo hành lang chính sách thuận lợi, và cung cấp các chương trình hỗ trợ.
Trong những năm gần đây, không phải là không có những hành động nhằm xây dựng thương hiệu chung cho sản phẩm Việt Nam nói chung hoặc nông sản vùng ĐBSCL nói riêng, nhưng các nỗ lực này đều chưa đem đến những hiệu quả như mong muốn. Một trong những ví dụ điển hình là thương hiệu gạo.
Đề án phát triển “Thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt năm 2015. Ngay sau khi đề án ra đời, nhiều thương hiệu gạo mới nở rộ. Các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đều chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm của riêng mình. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Mecofood đăng ký các nhãn hiệu gạo như Thố Cơm cho các dòng sản phẩm Nàng Thơm Long An, Hương Lài KDM 105, Tài Nguyên Chợ Đào. Công ty Lương thực Long An đăng ký các nhãn hiệu “cô gái mặc áo dài xanh đội nón lá” với gần 10 thương hiệu ST24, Nàng Hoa, Việt Đài, Việt Mỹ, Hương Lài KDM, Tài Nguyên… Công ty Lương thực Sông Hậu đăng ký Bông bưởi xanh/vàng/đỏ/đỏ đậm, Bông Trang Nguyên tím/đỏ/cam/vàng, Bông Sứ, Gạo thơm Sông Hậu, Tây Đô… Bên cạnh đó, Công ty Lương thực TP. Hồ Chí Minh có nhãn hiệu Đồng Xanh, Hạt Ngọc, Hương Lúa. Công ty Lương thực Đồng Tháp đăng ký nhãn hiệu Hương Tràm, Sếu Đỏ, Ramsar…
Nhưng trên thực tế, các thương hiệu trên hầu như không tồn tại trong tâm trí người tiêu dùng cả trong nước lẫn quốc tế. Những cái tên rất quen thuộc như Hoa Sứ, Bông Sứ, Nàng Thơm Chợ Đào, Hương Lài, Tài Nguyên … là chuyện “hữu xạ tự nhiên hương” từ lâu chứ không phải do nỗ lực xây dựng thương hiệu mới tạo nên.
Hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống xuất khẩu gạo, nhưng việc sử dụng thương hiệu trên thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Những năm gần đây, một vài tập đoàn như Lộc Trời hay Trung An cũng cố gắng xây dựng thương hiệu riêng, nhưng chưa phổ biến.
Năm 2019, gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua vừa đoạt giải nhất Gạo ngon nhất thế giới thì một công ty tại Úc và bốn công ty tại California, Mỹ đã ngay lập tức đăng ký trước thương hiệu ở nước sở tại. Sự cố tương tự xảy ra với gạo Nàng Thơm Chợ Đào khi vào năm 2022, thương hiệu gạo này đã được cấp cho công ty Cong Nguyen Inc ở Oklahoma, Mỹ. Sở Khoa học & Công nghệ Long An thuê hãng luật Mỹ đi kiện, nhưng không có kết quả.
Như vậy, ngay cả khi có sản phẩm nổi bật tầm cỡ thế giới mà nếu không xây dựng chiến lược bảo hộ thương hiệu đúng đắn thì Việt Nam sẽ không bao giờ có được một thương hiệu gạo tầm cỡ toàn cầu - điều mà các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Thái Lan và Campuchia đã làm được. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ thương hiệu của mình, nhưng sự hỗ trợ của nhà nước là cần thiết và đóng vai trò quan trọng. Trên thị trường trong nước, các thương lái đã nhanh chóng sử dụng “thương hiệu” Nàng Thơm Chợ Đào và ST25 bán rộng rãi trên thị trường, thật giả lẫn lộn, phần lớn người tiêu dùng hầu như không thể phân biệt được.
Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 3 tổ chức ở Long An tháng 12/2018, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam - Vietnam Rice. Tuy nhiên, đã gần 5 năm, hầu như chưa có doanh nghiệp nào gắn logo Vietnam Rice vào các túi gạo hay bao gạo bán ra thị trường trong nước hay xuất khẩu.
Thương hiệu vùng - Khuyến nghị
Để việc xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm của ĐBSCL đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Cụ thể, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng: Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cần đảm bảo các sản phẩm của ĐBSCL đạt chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cần được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế
Thứ hai, thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu: Cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu để đưa các sản phẩm của ĐBSCL đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cần được triển khai đa dạng, phù hợp với từng đối tượng khách hàng mục tiêu. Thông qua các hoạt động đàm phán thương mại, Nhà nước cần chủ động tích cực mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tăng độ phủ sản phẩm. Điều này quan trọng, vùa thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu đồng thời tăng mức độ nhận diện cho sản phẩm, “trải đường” cho việc kiến tạo thương hiệu chung được thuận lợi hơn.
Thứ ba, tăng cường vai trò của các nhà tài trợ quốc tế: Các nhà tài trợ quốc tế có thể hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và chuyên môn cho các hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các nhà tài trợ quốc tế có thể tham gia vào việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
Thứ tư, cộng hưởng với vai trò đầu tàu của TP.HCM: TP.HCM là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước và là đầu tàu của vùng đồng bằng sông Cửu Long. TP.HCM có thể đóng vai trò kết nối, hỗ trợ các địa phương trong vùng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chung. TP.HCM có thể hỗ trợ các địa phương trong vùng về tài chính, kỹ thuật, chuyên môn, kết nối thị trường,...
Thứ năm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung: Bộ nhận diện thương hiệu chung cần thể hiện được bản sắc và tiềm năng của vùng ĐBSCL. Bộ nhận diện thương hiệu cần bao gồm các yếu tố như logo, slogan, màu sắc, font chữ,... Để triển khai xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm của ĐBSCL hiệu quả hơn, cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng: Các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp trong vùng để xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các địa phương cần phối hợp với nhau để xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ bảy, tăng cường sự tham gia của cộng đồng: Cộng đồng cần được tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Cộng đồng có thể đóng góp ý kiến về bộ nhận diện thương hiệu chung, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.
Thứ tám, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin: Công nghệ thông tin cần được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu chung. Các địa phương cần xây dựng website, fanpage,... để quảng bá thương hiệu chung.
Thứ chín, thường xuyên đánh giá, điều chỉnh thương hiệu: Thương hiệu cần được thường xuyên đánh giá, điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu của thị trường và sự phát triển của vùng.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023
17:05, 13/12/2023
Doanh nghiệp tăng cường liên kết phát triển logistics vùng ĐBSCL
02:00, 03/12/2023
Cơ chế thu hút doanh nghiệp vào logistics vùng ĐBSCL
14:00, 01/12/2023
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Logistics và chuyển đổi số cho ĐBSCL
17:32, 23/11/2023
Hai dự án lớn của T&T Group tại ĐBSCL khánh thành giai đoạn 1
13:31, 04/11/2023