Triển vọng ngành xi măng năm 2024
Ngành xi măng trong năm 2024 vẫn được xem là chịu nhiều khó khăn.
>>>“Lối thoát” nào cho ngành xi măng?
Ngành xi măng trong năm 2024 vẫn được xem là chịu nhiều khó khăn từ việc nhu cầu trong nước khó tăng cao, nguồn cung tiếp tục vượt xa cầu, một số dây chuyền mới đi vào sản xuất, thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại.... Tất cả khó khăn này đã đưa ngành xi măng vào thế khó là không tiêu thụ được xi măng và clinker, một số nhà máy có vốn vay đầu tư lớn hàng trăm triệu USD, còn nợ ngân hàng nhiều có thể phá sản hoặc bán tháo cho nước ngoài, đây là điều đáng lo ngại.
Nhiều nhà máy phải dừng 1 hoặc 2 dây chuyền để giảm lượng tồn kho
Theo tính toán của Hiệp hội xi măng Việt Nam, năm 2023, cả nước sản xuất và tiêu thụ gần 88,6 triệu tấn xi măng và clinker, đạt gần 79% năng lực sản xuất của 83 dây chuyền, khoảng 70% năng lực thực tế. Tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 đạt 57,083 triệu tấn, bằng 84,3% tiêu thụ nội địa năm 2022. Trong đó, có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động, nhiều nhà máy phải dừng 1 hoặc 2 dây chuyền để giảm lượng tồn kho, phải dừng lò vì dư thừa công suất lần đầu xảy ra trong lịch sử ngành xi măng.
Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó. Khi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi... Từ tháng 10/2023, châu Âu bắt đầu triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đối với xi măng nhập khẩu nên sẽ là khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu xi măng sang châu Âu. Cùng với giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng, có thời điểm giá than tăng gấp 3 lần; năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân tăng 7,5%... Mặt khác, doanh nghiệp xi măng chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 01/01/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng.
Phải đối mặt với khó khăn, thách thức chung của ngành xi măng, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tăng cường sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, sử dụng bùn thải thay thế sét, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên; nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Mặc dù VICEM đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng doanh thu, lợi nhuận năm 2023 của VICEM không đạt kế hoạch năm và giảm so với thực hiện năm 2022 chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ xi măng thấp dẫn đến sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker của toàn VICEM sụt giảm làm tăng chi phí cố định trên tấn sản phẩm; giá thu về xi măng, clinker giảm. Cụ thể, xi măng là 20,48 triệu tấn, đạt 88,9% kế hoạch năm 2023, trong đó xi măng trong nước là 17,63 triệu tấn, đạt 89,6% kế hoạch năm 2023. Xi măng xuất khẩu là 2,85 triệu tấn, đạt 85,1% kế hoạch năm 2023. Clinker là 2,09 triệu tấn, đạt 104% kế hoạch năm 2023.Tổng doanh thu là 30.169 tỷ đồng, đạt 86,1% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ lỗ 428,0 tỷ đồng, (kế hoạch năm 2023 lãi 75,7 tỷ đồng).
Đặc biệt, tới đây khi một số dây chuyền mới dự báo đi vào sản xuất như: Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn...sẽ nâng tổng công suất lên đáng kể, chênh lệch cung cầu của thị trường tăng cao.
>>>Ngành xi măng gặp khó khăn “kép” khi giá điện tăng
Sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với sản phẩm clinker xuất khẩu
Để giúp ngành xi măng vượt qua khó khăn hiện nay, theo TS. Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng: Ngoài đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đẩy nhanh đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội thì về chính sách thuế, kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinker từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinker ở mức cũ 5% thêm 2 năm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với sản phẩm clinker xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinker xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị, khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế cho các ngành công nghiệp, trong đó có ngành xi măng. Có chính sách khuyến khích về thuế, tài chính cho nhà máy sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế. Tạo điều kiện để việc vận chuyển, tái sử dụng các chất thải, rác thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế được thuận tiện. Cần ban hành các quy định, hướng dẫn các nhà máy xi măng thực hiện kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính.
Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, hy vọng năm 2024 tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số địa phương, sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, thì sẽ tăng trưởng tiêu thụ xi măng trong nước giảm áp lực dư thừa nguồn cung.
Có thể bạn quan tâm