Du lịch sông nước TP. HCM còn nhiều tiềm năng

PHẠM THÙY DUNG 15/02/2024 14:02

Ẩn mình đan xen giữa những con đường sôi động của TP. HCM là mạng lưới sông ngòi và hệ thống đường thủy phong phú, giàu tiềm năng - một kho báu đầy mời gọi đang chờ được khai phá.

>>Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Sông Sài Gòn, tựa như một sợi ruy băng uốn lượn khéo léo len qua trái tim thành phố, mở ra trải nghiệm du lịch sông nước đầy quyến rũ. Dọc theo hai bên bờ là hàng loạt hoạt động lấy con sông làm trọng tâm, từ những chiếc du thuyền thong dong nhàn nhã đến các chợ nổi sầm uất náo nhiệt và trải nghiệm ẩm thực ven sông mê hoặc.

Tiến sĩ Jackie Ong - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT, nhận định: “Trải nghiệm phong phú này mang lại cho du khách một góc nhìn độc đáo, cho phép họ, trong phút chốc, thoát ra khỏi nhịp sống đô thị ồn ã và chiêm ngưỡng khía cạnh yên bình thường bị ẩn giấu của thành phố”.

“Nó khắc họa bản chất cốt lõi của nhu cầu du lịch hiện nay, khi du khách khao khát có được những kết nối chân thực và trải nghiệm sâu sắc. Đáp ứng hài hòa xu hướng này, du lịch sông nước vẫy gọi các ‘nhà thám hiểm’ đắm mình khám phá lịch sử đa tầng, văn hóa phức tạp, những kiệt tác kiến trúc và cuộc sống thường nhật của thành phố”. - Tiến sĩ Jackie Ong nói.

Dẫu đã nhận thấy tiềm năng của loại hình du lịch này, TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa khai thác triệt để được hết.

Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy - Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, chia sẻ rằng nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường các hoạt động quảng bá và đa dạng hóa trải nghiệm sông nước là những hướng đi đầy hứa hẹn có thể đẩy mạnh lĩnh vực này.

Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy (trái) và Tiến sĩ Jackie Ong (phải)

Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy (trái) và Tiến sĩ Jackie Ong (phải) 

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức khiến tiềm năng phong phú trong việc phát triển du lịch sông nước tại TP. Hồ Chí Minh đang bị lu mờ. Đứng đầu trong số đó là yêu cầu cấp thiết phải tăng cường nhận thức.

“Những địa danh lịch sử mang tính biểu tượng của thành phố thường được quảng bá rầm rộ, vô tình khiến các tuyến đường thủy phong phú bị lu mờ”.

“Du khách tiềm năng lo ngại về chất lượng nước và vệ sinh, cũng như tính an toàn của các hoạt động trên sông. Còn các con đường chật hẹp lại khiến việc tiếp cận những điểm tham quan ven sông gặp khó khăn”, Tiến sĩ Kanagasapapathy cho biết.

Dịch vụ xe buýt đường sông Saigon Waterbus hứa hẹn bổ sung cho hệ thống giao thông và du lịch của thành phố. Vận hành dọc theo sông Sài Gòn, dịch vụ này đem lại cho du khách một góc nhìn mới lạ và tuyệt đẹp để trải nghiệm bức tranh thị thành.

Tuy nhiên, dự án này cũng có những trở ngại riêng.

“Hệ thống xe buýt đường sông đang phải đối mặt với các vấn đề khiến dịch vụ này chưa phát huy tối đa tiềm năng, cản trở việc tích hợp liền mạch vào cảnh quan du lịch. Giải quyết những thách thức phức tạp này đòi hỏi nỗ lực từ chính quyền địa phương và các đơn vị khai thác du lịch”.

“Truyền thông có thể là một công cụ vô cùng quan trọng giúp truyền tải một cách khéo léo câu chuyện về sự quyến rũ của trải nghiệm sông nước, trong khi giải quyết những vấn đề hiện hữu một cách thấu đáo, sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc thu hút sự quan tâm của du khách tiềm năng”, Tiến sĩ Kanagasapapathy khẳng định.

>>Du lịch Việt Nam trong “cuộc đua” hút khách

Dịch vụ xe buýt đường sông Saigon Waterbus hứa hẹn bổ sung cho hệ thống giao thông và du lịch của thành phố (hình: Unsplash).

Dịch vụ xe buýt đường sông Saigon Waterbus hứa hẹn bổ sung cho hệ thống giao thông và du lịch của thành phố (hình: Unsplash).

Bà cũng liên hệ đến sự thành công của du lịch sông nước tại Thái Lan.

“Thành công của Thái Lan nằm ở việc kết hợp tinh tế giữa văn hóa và thiên nhiên. Chợ nổi và các ngôi chùa ven sông là minh chứng cho thấy khả năng của quốc gia này trong việc kết hợp di sản văn hóa phong phú với vẻ đẹp tự nhiên, tạo ra một bản giao hưởng quyến rũ mê hoặc du khách”, bà cho hay.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận là những điểm cốt lõi trong sự thành công của du lịch sông nước Thái Lan. Theo Tiến sĩ Kanagasapapathy, đầu tư chiến lược vào cơ sở hạ tầng hiện đại đảm bảo việc tiếp cận thuận tiện đến các điểm tham quan ven sông, đồng thời với việc bảo trì tốt cơ sở vật chất và tàu thuyền, giúp du khách được bao bọc trong sự thoải mái, khiến cho mức độ hài lòng tổng thể nâng cao.

“Sự chung tay của cộng đồng cũng đóng một vai trò quan trọng trong thành công của du lịch sông nước Thái Lan. Bản hòa ca về tính chân thực cất lên khi cộng đồng địa phương trở thành một phần không thể thiếu của câu chuyện, giúp họ gặt hái được những lợi ích vừa làm đời sống của họ thêm phong phú, vừa duy trì sự hấp dẫn trong mắt du khách”, bà nói.

Quảng bá và marketing hiệu quả là nốt thăng trong bản giao hưởng du lịch sông nước ở Thái Lan, thu hút khán giả toàn cầu và vẫy gọi du khách đến tìm kiếm những chuyến phiêu lưu độc đáo và khó quên.

TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng tạo ra một bản giao hưởng của những trải nghiệm du lịch sông nước bền vững và cuốn hút (hình: Unsplash).

TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng tạo ra một bản giao hưởng của những trải nghiệm du lịch sông nước bền vững và cuốn hút (hình: Unsplash). 

Lấy cảm hứng từ thành công của Thái Lan, Tiến sĩ Kanagasapapathy đưa ra một số đề xuất giúp TP. Hồ Chí Minh khai mở hết tiềm năng của du lịch sông nước.

Một là, tạo ra trải nghiệm phong phú từ việc kết hợp lịch sử, văn hóa và thiên nhiên.

Hai là, đảm bảo cơ sở hạ tầng hiện đại và dễ tiếp cận giúp tương tác liền mạch với các tuyến đường thủy của thành phố, đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương nhằm duy trì tính chân thực và đà tăng trưởng.

Ba là, thực hiện chiến lược marketing quốc tế toàn diện nhằm tạo ra chất xúc tác mạnh mẽ, nâng cao tính hấp dẫn của du lịch sông nước đối với những du khách trong nước và quốc tế. Nỗ lực này cũng sẽ phù hợp với Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc gồm: số 14 – tài nguyên và môi trường biển, và số 11 - các thành phố và cộng đồng bền vững.

Tiến sĩ Kanagasapapathy đưa ra ví dụ về Saigon Waterbus. Bà nói: “Đây sẽ là một trong những bên được hưởng lợi từ các chiến lược toàn diện. Thông qua marketing hiệu quả, tinh chỉnh hoạt động và cam kết vững chắc nhằm hài hòa kỳ vọng của cả người dân địa phương và du khách, dịch vụ xe buýt đường thủy có thể phát triển thành một điểm sáng trong bức tranh du lịch sông nước tại đây”.

Dù còn tồn tại những thách thức và khoảng cách trong nhận thức, thành phố có khả năng đẩy mạnh nét quyến rũ của du lịch sông nước, làm phong phú thêm trải nghiệm tổng thể của du khách. Điều này phù hợp những gì Tiến sĩ Ong chia sẻ: “Du lịch sông nước đem lại một góc nhìn khác biệt, tương phản rõ rệt với những cung đường sôi động của thành phố, mời gọi du khách đắm chìm vào sự chân thật giúp tạo nên sự đồng cảm sâu sắc”.

Tiến sĩ Kanagasapapathy kết lời: “Giống như dòng chảy uốn lượn của sông Sài Gòn qua thành phố, du lịch sông nước mang tiềm năng dệt nên một câu chuyện mới mẻ về sự khám phá, tính chân thực và kỳ diệu bên trong lòng đô thị náo nhiệt này. Học hỏi từ những thành công của Thái Lan, TP. Hồ Chí Minh có thể mở ra tiềm năng thực sự cho giao thông đường thủy, mời gọi du khách bước vào một hành trình hấp dẫn khám phá lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp tự nhiên của thành phố”.

Có thể bạn quan tâm

  • Du lịch canh nông

    02:00, 15/02/2024

  • Du lịch Hà Nội thu 2.350 tỉ trong 7 ngày Tết Nguyên đán

    00:20, 15/02/2024

  • Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng

    01:00, 12/02/2024

  • Phủ xanh du lịch Việt Nam

    03:00, 11/02/2024

  • Tạo sân chơi trực tuyến kết nối doanh nghiệp du lịch

    02:30, 11/02/2024

  • "Hút" khách du lịch cho Quảng Nam

    02:30, 11/02/2024

PHẠM THÙY DUNG