Chiến tranh biên giới phía Bắc và bài học cho các thế hệ trẻ

MINH PHONG 17/02/2024 05:00

Dù cuộc chiến năm 1979 ở biên giới phía Bắc chỉ diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, nhưng đây là một sự kiện hết sức quan trọng trong lịch sử đất nước, để lại bài học nhiều cho các thế hệ trẻ.

 >>Chiến tranh biên giới phía Bắc và bài học về tình hữu nghị

Cách đây 42 năm, “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào trận chiến đấu mới

Cách đây 45 năm, tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào trận chiến đấu mới. 

Dẫu lịch sử đã sang trang, sự tàn khốc của cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng mỗi năm đến ngày 17/2, quá khứ bi thương nhưng đầy hùng tráng lại ùa về trong tâm khảm triệu triệu người dân đất Việt. 

Trong ký ức của người Việt Nam, có lẽ không một ai có thể quên được ngày 17/2/1979, ngày mà Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đã huy động 600.000 quân cùng với 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn pháo phòng không... chia làm 2 cánh bất ngờ mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Rạng sáng ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc với 9 quân đoàn chủ lực, 5 sư đoàn bộ binh độc lập và các trung đoàn địa phương, tổng cộng gồm 32 sư đoàn bộ binh và bộ binh cơ giới, 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn phòng không trong đó có nhiều dàn phóng hỏa tiễn… đã bất ngờ mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) dài hơn 1000 km, thuộc địa bàn 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu (nay là Điện Biên và Lai Châu)...

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)

Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)

Quân Trung Quốc đã bắn phá, tiêu hủy tất cả các cơ sở, kho tàng, nhà ở của ta ở các thị xã, thị trấn và các làng bản, bắn giết vô cùng tàn bạo nhân dân ta, quân Trung Quốc tiến sâu vào địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu từ 10 -15 km, tiến sâu vào đất Cao Bằng gần 50 km.

Trước sự tấn công bất ngờ của quan Trung Quốc, quân đội và nhân dân Việt Nam, trực tiếp là dân quân, du kích và bộ đội địa phương ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc và tiếp đó là quân chủ lực được tăng cường, đã dũng cảm kiên cường chiến đấu đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 18/3/1979, quân Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề đã buộc phải rút quân về nước. Tuy nhiên, tại một số điểm thuộc một số tỉnh ở khu vực biên giới, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt ở mặt trận Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, những trận đánh đẫm máu để giành giật từng điểm cao với những hy sinh vô cùng lớn vẫn chưa chấm dứt, mà phải đến tháng 9/1989 chiến tranh mới thật sự kết thúc.

>>Vận dụng bài học từ chiến tranh biên giới trong xây dựng đất nước

Vũ khí của địch bị bộ đội Việt Nam thu được tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, tháng 2/1979. (Ảnh: Quang Khanh/TTXVN)

Vũ khí của địch bị bộ đội Việt Nam thu được tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, tháng 2/1979. (Ảnh: Quang Khanh/TTXVN) 

Cho đến nay đã 45 năm trôi qua kể từ khi kết thúc cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, nhưng ký ức về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 vẫn hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam bởi tính chất ác liệt của nó. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước mà cả trên thế giới.

Cứ vào ngày 17/2 hàng năm, chúng ta lại cùng ôn lại lịch sử, cùng làm rõ những vấn đề lịch sử của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân dân Việt Nam. Việc nhắc lại lịch sử không phải là khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử không thể chối bỏ; đồng thời khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, bắt đầu từ ngày 17/2/1979 và kéo dài đến tận cuối năm 1989. 

Hay nói cách khác, việc “khép lại quá khứ” hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không (hay chưa) nói về quá khứ mà là xác định lại sự kiện như đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động cơ nào đó. Hoàn toàn không nhắc đến tới lịch sử (cho dù sự kiện ấy là như thế nào) sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử. Điều này không thể và không nên làm. Trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cách tốt nhất đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động, đồng thời cũng là cách tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

Cuộc chiến tranh biên giới chính thức kéo dài chỉ 17 ngày, từ 17/2 đến 5/3/1979. Nhưng những cuộc xung đột còn kéo dài đến tận năm 1988. Trong suốt 9 năm, một phần đáng kể nhân tài vật lực của chúng ta đã phải dồn cho biên giới phía Bắc, trong khi Mỹ cấm vận, viện trợ của Liên Xô cắt giảm so với trước và Trung Quốc thì từ bạn thành thù.

Có thể nói Việt Nam đã hao tốn nhiều sức lực vì cuộc chiến biên giới đó. Nếu căng thẳng tiếp tục kéo dài, Việt Nam càng ngày càng bất lợi. Chính vì vậy, năm 1988, khi Việt Nam chủ động rút quân chủ lực lùi xa biên giới 40km, tình hình biên giới lắng dịu ngay, và đến năm 1991 thì Việt Nam và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước ở Thành Đô, Trung Quốc.

Và đây là những bằng chứng cho mọi cuộc chiến

Ký ức về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 luôn hằn sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam.

Là một người nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng là một người lính, TS Nguyễn Mạnh Hà - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nguyên đại tá, chính ủy sư đoàn 308 anh hùng, nhiều năm là viện phó Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) cho rằng, dù bất cứ hoàn cảnh nào thì hòa bình vẫn là quý giá nhất. Chiến tranh biên giới kết thúc thật sự, chúng ta mới có thể tiếp tục sự nghiệp đổi mới, có những chính sách lâu dài và bền vững để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống nhân dân, để có một vị thế mới trong bản đồ ngoại giao thế giới như hôm nay.

Nhưng như vậy không có nghĩa là trang sử về chiến tranh biên giới đã khép lại. Lịch sử bản chất là sòng phẳng, khách quan, cái gì đã xảy ra rồi cũng có lúc sẽ được đặt lại trên bàn cân lịch sử để luận định. Chúng ta nhìn lại chiến tranh biên giới, trước hết là để học bài học cho chính mình: cái gì lẽ ra đã có thể tránh được, cái gì cần nhớ để nhắc lại cho thế hệ sau.

Chúng ta cần có những sự vinh danh và tri ân các liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi mà đằng đẵng đó. Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm xương máu từ thực tế lịch sử của dân tộc mình khi hoạch định đường lối đối ngoại trong một thế giới hiện đại đang thay đổi từng ngày, lợi ích các bên đan xen nhau cực kỳ phức tạp. Cần hiểu rõ bạn - thù và phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trước hết và trên hết thì mới có chính sách đúng được.

Có thể khẳng định, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, bởi Việt Nam lúc này vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ chưa lâu (1975), vừa kết thúc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước, kinh tế lại đang gặp rất nhiều khó khăn do cấm vận của Mỹ...

Cuộc chiến cũng góp phần khẳng định đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc bén của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Việt Nam, nhất là trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá đúng khả năng hành động của đối phương, trên cơ sở đó kịp thời chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân chuẩn bị các mặt sẵn sàng đối phó; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.

Qua thực tiễn điều hành, chỉ đạo chiến tranh, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định về quyền tự vệ chính đáng của mình, kiên quyết đánh trả mọi cuộc tiến công xâm phạm chủ quyền, nhưng đồng thời cũng luôn thể hiện rõ lòng bao dung, khát vọng hòa bình, mong muốn chấm dứt xung đột để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Trung Quốc, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 là sự kiện lịch sử đặc biệt, để lại cho cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam nhiều bài học quý báu. Đó là, cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc tình hình, dự đoán chính xác âm mưu và hành động của các bên liên quan, nhất là động thái các nước lớn, trên cơ sở đó có sự chuẩn bị toàn diện, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. 

Cùng với đó, phải giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự cường, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, quân sự với đấu ngoại giao để vừa phát huy sức mạnh tổng hợp trong nước, vừa nêu cao tính chính nghĩa của cách mạng nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, không để các thế lực thù địch xuyên tạc hòng tìm cách cô lập.

Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trên cơ sở đó phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân địa phương, đặc biệt là sức mạnh của lực lượng vũ trang tại chỗ (bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân du kích) kết hợp với sức mạnh hậu phương cả nước tạo thành những "trường thành thép” sẵn sàng đánh trả có hiệu quả mọi cuộc tiến công từ bên ngoài ngay thời gian đầu.

Đặc biệt, cần vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam "lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” với nghệ thuật quân sự hiện đại (phương thức tác chiến chính quy), đồng thời biết khai thác, phát huy tư tưởng nhân văn "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông thuở trước kết hợp với chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý giá và có thể coi đó là cội nguồn sức mạnh của Việt Nam. Trong một cuộc chiến tranh, một cuộc chiến đấu hay một trận đánh thì chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được đẩy lên một cách cao nhất nhằm bảo vệ những giá trị thiêng liêng nhất, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Cho nên có thể coi rằng, sự kiện năm 1979 mà quân và dân ta chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới phía Bắc đã thể hiện một cách tập trung, cao độ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.

Chia sẻ về bài học rút ra trong cuộc chiến này, ông Giang cho biết, đất nước luôn phải đối đầu với kẻ thù hùng mạnh hơn và chúng ta đã có bài học rồi. Chỉ dựa vào bộ đội chính quy là không đủ, phải dựa vào bộ đội địa phương, phải là dân quân tự vệ, dựa vào nhân dân. Đó là một bài học rất lớn phải triển khai.

Nhưng điều tôi muốn nói nhất là phải giáo dục cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống cho họ. Cho nên sự kiện năm 1979 không được phép lãng quên. Những người anh hùng đã hy sinh, đã đổ xương máu để bảo vệ bờ cõi năm 1979 phải được tôn vinh giống như những người anh hùng đã từng ngã xuống, đã từng đổ xương máu trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Việc này phải được đưa vào sách giáo khoa, phải được giáo dục như thế nào đó để thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, dập tắt muôn đời chiến tranh, nhưng sẵn sàng cầm vũ khí khi quân xâm lược kéo đến.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến tranh biên giới phía Bắc và bài học về tình hữu nghị

    17:15, 17/02/2022

  • Vận dụng bài học từ chiến tranh biên giới trong xây dựng đất nước

    08:00, 17/02/2022

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Nghĩ về những đường biên Tổ quốc

    05:19, 21/02/2019

  • [40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc] Cuộc chiến 1979 và những bài học

    15:21, 20/02/2019

MINH PHONG