Doanh nghiệp vận tải ô tô nỗ lực vượt khó

GIANG NGUYỄN 19/02/2024 00:00

Năm 2023 là năm khó khăn chồng chất với các doanh nghiệp vận tải bởi nhiều yếu tố biến động, khó đoán định của thị trường.

>>Đồng loạt các dự án BOT tăng phí: Doanh nghiệp vận tải lo điều gì?

Tuy nhiên, cùng các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó để tái cấu trúc, tìm hướng đi riêng cho mình…

br class=

Cùng các chính sách hỗ trợ trong năm 2023, các doanh nghiệp vận tải ô tô đã nỗ lực vượt khó để tìm hướng đi riêng cho mình. Ảnh minh họa

Nhìn lại năm 2023 khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu thì vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc xung đột chưa có hồi kết; lạm phát diễn ra ở nhiều quốc gia; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn... đã tác động hầu hết các ngành, lĩnh vực của nước ta, gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong đó, các doanh nghiệp vận tải ô tô là một trong những ngành nghề được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nỗ lực vượt “sóng gió”

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, chưa bao giờ các doanh nghiệp ngành vận tải phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thời gian gần đây. Hết dịch Covid-19, thì lại đến cơn bão tài chính, giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến xu hướng quốc tế… làm cho doanh nghiệp ngành vận tải, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải ô tô đều phải gồng mình chịu đựng. Hiện nay, một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, ngừng trệ kinh doanh bởi khó khăn rất nhiều…Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng đi mới để vượt qua khó khăn.

Ông Quyền cũng cho biết, các doanh nghiệp vận tải luôn kiên trì, bền bỉ vượt khó, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ được việc làm cho người lao động. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước luôn bên cạnh, có nhiều quyết sách kịp thời từ Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp. Cụ thể như chính sách ưu đãi về hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách tiền tệ, tín dụng, hỗ trợ lãi suất… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. “Đón năm mới 2024 với hy vọng có những diễn biến tốt hơn, song doanh nghiệp vẫn sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó khăn trong thời gian tới”, ông Quyền nói.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại & du lịch Hà Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Thái Nguyên cho biết, dù năm 2023 là một năm sóng gió đối với các doanh nghiệp vận tải ô tô bởi những tác động từ thị trường. Tuy nhiên, một loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đã phần nào “tiếp sức” kịp thời cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ cụ thể về tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp mình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại & du lịch Hà Lan cho biết, từ sau dịch bệnh Covid-19 đến nay, doanh nghiệp đã chuyển đổi số toàn diện để hỗ trợ người dân thuận tiện trong việc đi lại. Đồng thời, doanh nghiệp đã nỗ lực tái cấu trúc, thiết lập bộ máy cấp quản lý phù hợp để có cơ chế chính sách tốt hơn cho người lao động, đưa mức đóng bảo hiểm của hơn 600 cán bộ, nhân viên cao hơn mức quy định vùng.

Dự đoán năm 2024 thị trường có thể còn khó khăn. Tuy nhiên, ông Hà cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị một kế hoạch riêng. “Đó là tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đưa ra các dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi dự kiến tăng trưởng theo kế hoạch sẽ là 30% so với năm 2023”, ông Hà chia sẻ.

>>Xe dù, bến cóc: Vì sao nhiều doanh nghiệp vận tải "không tuân thủ"?

Cần một chính sách mở

Đưa ra kiến nghị về giải pháp để doanh nghiệp vận tải ô tô đứng vững cho năm tới, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Thái Nguyên cho biết, các doanh nghiệp mong muốn có thêm chính sách khích lệ đổi mới để đột phá. Theo ông Hà, Chính sách tốt theo hướng mở sẽ thu hút các doanh nghiệp dám đầu tư, dám nghĩ, dám làm để có được những sản phẩm vận tải hành khách cao cấp phục vụ người dân, đáp ứng công nghệ hoàn thành công tác chuyển đổi số, để hoạt động của ngành này thực sự minh bạch.

“Thực tế, nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô hiện nay vẫn đang hoạt động kinh doanh manh mún, do đó cần phải xây dựng một cơ chế chính sách thật tốt để thu hút đầu tư cho ngành này. Đặc biệt, cần sớm sửa đổi nghị định 10, các quy định phải có hướng mở để thoát khỏi các rào cản pháp lý, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường”, ông Hà kiến nghị.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải hành khách, đặc biệt là loại hình xe hợp đồng đang thiếu một hành lang pháp lý để có thể cạnh tranh bình đẳng.

“Cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi Nghị định 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cùng với đó, tổ chức nghiên cứu bài bản, lấy ý kiến rộng rãi để phù hợp với thực tiễn”, ông Nguyễn Văn Quyền nói. Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước phải nghiên cứu và vạch ra hành lang, tạo ra sự lựa chọn về mô hình kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng. Nên nhân cơ hội Luật Giao thông đường bộ cùng các nghị định liên quan đang được xem xét sửa đổi để đề nghị sửa cho phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp vận tải Hải Dương sẵn sàng phương tiện phục vụ Tết

    01:00, 16/01/2024

  • Đồng loạt các dự án BOT tăng phí: Doanh nghiệp vận tải lo điều gì?

    03:30, 21/12/2023

  • Xe dù, bến cóc: Vì sao nhiều doanh nghiệp vận tải "không tuân thủ"?

    01:19, 09/11/2023

  • Doanh nghiệp vận tải liên vận duyên hải miền Trung gặp nhiều thách thức

    05:47, 28/09/2023

GIANG NGUYỄN