Hãng tàu tăng phí THC, doanh nghiệp xuất nhập khẩu “kêu khó”

THY HẰNG 19/02/2024 13:21

Ngay sau Thông tư 39/2023/TT-BGTVT tăng 10% mức giá dịch vụ bốc dỡ container, đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10–20% phí THC đối với mỗi loại dịch vụ container.

>>>Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt tăng cước vận chuyển container và phụ phí

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam vừa có công văn số 01/VNSC-VP gửi đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ công Thương, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính và Cục Hàng hải Việt nam về việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.

Niêm yết không cần giải trình

Theo đó, Hiệp hội Chủ hàng cho biết từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Không chỉ vậy, các hãng tàu cũng liên tục tự tăng các loại phí và phụ phí này mà không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý Nhà nước, hầu hết ở mức rất cao, cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.

Cập nhật mới nhất, khi Thông tư 39/2023/TT-BGTVT Bộ GTVT quyết định điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt vừa được ban hành ngày 25/12/2023, bắt đầu có hiệu lực từ 15/02/2024 thì ngay từ đầu tháng 02/2024, đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10–20% phí THC đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam. Điều đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng THC. Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10-20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

“Việc ban hành Thông tư 39 đã được các Bộ Ban Ngành nghiên cứu rất kỹ lưỡng sau hơn 5 năm không điều chỉnh bất kỳ loại giá dịch vụ nào, nhưng các hãng tàu nước ngoài, chỉ trong thời gian chưa đến 01 tháng từ khi Thông tư 39 được ban hành đã ngay lập tức tự cho mình quyền điều chỉnh mức phí THC áp dụng riêng đối với Việt Nam, các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng”, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định điều đáng nói là hành vi điều chỉnh THC đợt này không phải là lần đầu tiên. Hiệp hội Chủ hàng nhận định điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với Quốc gia trong công tác quản lý hãng tàu nước ngoài và bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển và logistics nước nhà.

>>>Chính thức điều chỉnh tăng 10% giá bốc dỡ container cảng biển

>>>Đề xuất tăng 10% “giá sàn” bốc dỡ container: Còn nhiều lo lắng!

Yêu cầu kê khai giá

Với hiện trạng quan ngại nêu trên, Hiệp hội Chủ hàng đề xuất các Cơ quan Ban Ngành cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Hiệp hội Chủ hàng đề xuất các Cơ quan Ban Ngành cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Hiệp hội Chủ hàng đề xuất các Cơ quan Ban Ngành cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Cụ thể, bổ sung Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hoá tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tuỳ ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu. Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì Cơ quan chức năng cần phải áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phù hợp.

Đồng thời, tham khảo học hỏi kinh nghiệm quản lý các hãng tàu nước ngoài từ các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia… để xây dựng, hoàn thiện các giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động của các hãng tàu nước ngoài, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước.

“Phát huy lợi thế nguồn tài nguyên biển và thị trường Việt Nam với khoảng 15 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển mỗi năm thì nguồn thu sẽ khoảng 3 tỷ USD – là vô cùng tiềm năng và quan trọng mà các hãng tàu nước ngoài không thể bỏ qua, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường hoạt động kiểm soát đối với các hãng tàu nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi chính đáng của các doanh nghiệp và đất nước. Do đó, với các ý kiến và góp ý đề xuất trên đây, Hiệp hội rất mong quý các Cơ quan Ban Ngành kịp thời ban hành các quy định, cơ chế kiểm soát việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo vệ vị thế xứng tầm của ngành hàng hải Việt Nam”, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam kiến nghị.

Trước đó, Thông tư 39/2023/TT-BGTVT ban hành cuối năm 2023 và có hiệu lực từ 15/2/2024 đã điều chỉnh mức giá dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại một số khu vực tăng khoảng 10% so với mức giá quy định trong Thông tư 54, một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại.

Chuyên gia cho rằng giá bốc dỡ container chiếm phần lớn trong cơ cấu phí THC (giá mà hãng tàu thu của khách hàng xuất nhập khẩu để chi trả chi phí tại cảng), được xem là căn cứ để hãng tàu nước ngoài xác định phí THC, trong khi sự chênh lệch giữa giá dịch vụ bốc dỡ container và giá THC là rất lớn. Do đó, cũng là có căn cứ khi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại việc tăng gía sàn dịch vụ bốc dỡ container sẽ là cái “cớ” để các hãng tàu tăng phí THC làm tăng chi phí và giảm cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, áp lực tiếp tục bị đè nặng lên doanh nghiệp chủ hàng. Và trên thực tế cho thấy ngay từ đầu tháng 02/2024, đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10–20% phí THC đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam. 

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt tăng cước vận chuyển container và phụ phí

    02:00, 03/02/2024

  • Chính thức điều chỉnh tăng 10% giá bốc dỡ container cảng biển

    16:00, 27/12/2023

  • Đề xuất tăng 10% “giá sàn” bốc dỡ container: Còn nhiều lo lắng!

    00:25, 02/09/2023

  • Vì sao cần tăng giá bốc dỡ container tại cảng biển?

    11:00, 26/03/2023

THY HẰNG