Quảng Nam làm gì để trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu?

NGUYỄN HOÀNG 21/02/2024 10:48

Quảng Nam đã xây dựng "Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam" và gửi các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt để nâng cao giá trị cây dược liệu.

>>Quảng Nam: Khát vọng nguồn thu tỷ USD từ vùng sâm Ngọc Linh

Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định với tiềm năng sẵn có, cùng với yếu tố "thiên thời - địa lợi và nhân hòa" trong việc xây dựng vùng núi Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp dược liệu của miền Trung, kết nối với 2 trung tâm công nghiệp dược liệu miền Bắc và miền Nam để tạo ra thế kiềng ba chân trong việc phát triển công nghiệp dược của cả nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam Hồ Quang Bửu, Quảng Nam có nhiều điều kiện tự nhiên (khí hậu, thời tiết, sinh thái, thổ nhưỡng…) thuận lợi cho việc phát triển nông - lâm nghiệp - dược liệu. Đồng thời, Quảng Nam sở hữu tổng diện tích tự nhiên hơn 1 triệu ha, trong đó đất lâm nghiệp hơn 729 ha với sự đa dạng sinh học và phong phú về chủng loại cây thuốc với trữ lượng tương đối ổn định, phân bố tập trung ở các huyện miền núi.

a

Xây dựng trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực cùng nhiều loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, năm 2002, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Qua điều tra khảo sát mới đây của Viện Dược liệu, Quảng Nam còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là cây dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ. Nhiều cây thuốc quý có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, chủ yếu mọc tự nhiên và phân bố khá đồng đều, rộng khắp ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong gần 3 thập kỷ qua, Quảng Nam tập trung phát triển công nghiệp thương mại dịch vụ ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên đến thời điểm này, Quảng Nam vẫn được xem là tỉnh nông nghiệp với hơn 40% dân số lao động nông nghiệp, tổng diện tích sản xuất các loại cây trồng hằng năm khoảng 150.000 ha.

Đặc biệt, hiện giá trị kinh tế của các cây dược liệu đem lại rất cao so với trồng các cây lương thực khác. Tuy nhiên, chế biến sâu các loại cây dược liệu thành sản phẩm thuốc chữa bệnh chưa hình thành khu công nghiệp sản xuất và chế biến dược liệu để nâng cao giá trị.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực là yêu cầu của thực tiễn hết sức cần thiết và cấp bách để thực hiện chủ trương đúng đắn của trung ương và địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển các loài cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, việc xây dựng đề án còn có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở các huyện miền núi, nhất là 6 huyện miền núi cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Đến nay, các cây Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác tại Quảng Nam vẫn chưa được chế biến sâu.

Đến nay, các cây Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác tại Quảng Nam vẫn chưa được chế biến sâu.

"Việc hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực cũng sẽ tạo bước đột phá về đầu tư, phát triển trong lĩnh vực công nghiệp dược, dược liệu sau khi Chính phủ đã có chủ trương phê duyệt 2 trung tâm phía Bắc và phía Nam. Qua Đề án, tỉnh Quảng Nam sẽ có điều kiện ưu tiên nguồn lực đủ mạnh tập trung đầu tư phát triển, khai thác tiềm năng vùng nguyên liệu, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tâm điểm của cả nước, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới", Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định.

Đến thời điểm này, sau hơn 50 năm phát hiện sâm Ngọc Linh - Loài dược liệu quí hiếm không chỉ trong nước và trên thế giới, sâm Ngọc Linh tự nhiên gần như tuyệt diệt, người dân vùng đồng bào dân tộc đã nuôi trồng thành công và phát triển. Tuy nhiên loài sâm quý hiếm này vẫn chưa được chế biến sâu, chỉ dừng lại ở công đoạn ngâm rượu và bán sản phẩm thô trên thị trường trong nước.

Vì vậy, xây dựng trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực cùng nhiều loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Công nghiệp dược liệu - “làn gió mới” cho kinh tế Tây Nguyên

    Công nghiệp dược liệu - “làn gió mới” cho kinh tế Tây Nguyên

    04:47, 09/02/2023

  • Quảng Nam: Công nghiệp dược liệu dần được quan tâm

    Quảng Nam: Công nghiệp dược liệu dần được quan tâm

    09:22, 21/03/2022

NGUYỄN HOÀNG