Gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ: Cần đánh giá kỹ đối tượng áp dụng

NGUYỄN GIANG 22/02/2024 00:30

Các chuyên gia cho rằng, việc gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN để hỗ trợ ngân hàng, doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên, cần đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng để tránh nợ xấu phồng to…

>>Cần gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ Ngân hàng và doanh nghiệp

hihihi

Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Ảnh minh họa

Theo đó, nút thắt Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) đã phần nào được nới lỏng khi Ngân hàng Nhà nước có quan điểm sẽ gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế. Cụ thể, mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế hoạch gia hạn thời gian áp dụng Thông tư 02 liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Lãnh đạo NHNN cũng đã đề nghị Vụ tín dụng cùng các cơ quan thanh tra, vụ pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I năm nay. Như vậy, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là phía NHNN sẽ kéo dài thời hạn của Thông tư 02 thêm bao lâu. Các chuyên gia cho rằng, quyết định này không hề dễ dàng, chắc chắn cần có sự đánh giá kỹ lưỡng từ ban lãnh đạo NHNN.

Bình luận về nội dung này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: “Thông tư 02 là sự chia sẻ khó khăn giữa ngân hàng với doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Doanh nghiệp không có khả năng trả nợ vay và lãi vay thì ngân hàng có đòi, doanh nghiệp cũng không trả nợ được, trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn, chuyển nợ xấu, doanh nghiệp sụp nợ thì ngân hàng không thu được nợ.

Khi có Thông tư 02 không chuyển nhóm nợ, giãn, hoãn thời gian đòi nợ và không chuyển nợ xấu, các doanh nghiệp có thể xoay sở để tồn tại, phát triển và trả được khoản vay cho ngân hàng. Đây là điều tốt cho cả doanh nghiệp và ngân hàng”. Tuy nhiên, trước kiến nghị gia hạn thêm Thông tư 02, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh không đồng tình và cho rằng nên kết thúc đúng thời điểm của Thông tư.

Theo đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Thực tế, một bên chúng ta cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhưng một bên khác việc kéo dài Thông tư 02 sẽ khiến bong bóng nợ xấu thổi phồng to hơn nữa, từ đó đe doạ xấu cho toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ. Cũng nên cân nhắc cẩn trọng việc có nên kéo dài Thông tư 02 hay không. Theo quan điểm của tôi, nếu đến tháng 6/2024, chúng tôi dự đoán các doanh nghiệp có phục hồi tương đối. Vì vậy các khoản nợ xấu cũng nên được xử lý. Phải đặt lợi ích của nền kinh tế lên trên đầu”.

>>Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp

hihihi

Việc kéo dài quy định giãn, hoãn nợ cần đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng. Ảnh minh họa

Cùng quan điểm không nên kéo dài lâu Thông tư 02, nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế lại cho rằng có thể kéo dài tối đa 1 năm, đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu không gia hạn Thông tư 02, các ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, bởi phải hạch toán trở lại theo đúng nhóm nợ và rất có thể trong số đó có nhiều khoản nợ phải chuyển nhóm sâu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí lợi nhuận giảm mạnh. Kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp tiến trình trích lập dự phòng rủi ro diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính.

Đặt trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo, hệ thống ngân hàng cần chuẩn bị tâm lý đối mặt với “cơn bão” mới đó là nợ xấu ngày hôm nay chưa được xử lý xong thì lại có thêm nợ xấu mới và như vậy sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại. “Nếu tính cả việc giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, thì nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi”, vị chuyên gia nhận định.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, việc kéo dài quy định giãn, hoãn nợ cần đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, nhưng với các doanh nghiệp yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ, mà mạnh dạn chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.

Bình luận việc kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02 trong bối cảnh hiện nay, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, đây là thách thức rất lớn trong bối cảnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa xong, xử lý sở hữu chéo chưa dứt điểm, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, hệ thống ngân hàng đang đối diện tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu tăng cao. Vì vậy, theo ông Hùng, việc nới lỏng chính sách cần phải cân nhắc thật kỹ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi hàng triệu người dân đang gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Mặc dù vậy, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đồng tình với quan điểm NHNN nên kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02 thêm một thời gian khoảng 1 năm nữa. Lý giải về điều này, ông Hùng cho rằng, nếu việc đó thực hiện được thì nhiều doanh nghiệp có cơ hội để vượt qua khó khăn.

“Tuy nhiên, nếu kéo dài Thông tư 02 thì cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, không chỉ giãn hoãn nợ mà có thể cho vay mới. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ”, ông Hùng nhấn mạnh

Có thể bạn quan tâm

  • Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

    Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

    04:00, 15/01/2024

  • Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp

    Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp

    05:30, 22/12/2023

  • Cần gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ Ngân hàng và doanh nghiệp

    Cần gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ Ngân hàng và doanh nghiệp

    02:50, 18/12/2023

NGUYỄN GIANG