Đón "gió thuận", doanh nghiệp không có "tháng Giêng là tháng ăn chơi"
Nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành như dệt may, nông sản, đồ gỗ đã nhanh chóng bắt tay vào sản xuất ngay những ngày đầu năm, có đơn hàng đến tháng 6/2024, thậm chí hết năm.
>>>Doanh nghiệp tấp nập đơn hàng, xuất khẩu hàng hoá "sáng cửa"
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, doanh nghiệp trở lại sản xuất từ sớm để trả các đơn hàng đã ký từ trước Tết Nguyên đán 2024. Đây là đơn hàng Lộc Trời đã thắng thầu cung cấp 65.000 tấn gạo cho cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia (Bulog), được Bulog công bố vào đầu tháng 2.
Tăng cường tuyển dụng
"Tính đến nay, các doanh nghiệp gạo Việt Nam đã trúng thầu với hơn 400.000 tấn gạo trắng 5% tấm trên tổng số 500.000 tấn mở thầu của Indonesia. Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm khoảng 40% thị phần), mới đây Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Philippines về hợp tác thương mại gạo. Những thông tin này cho thấy, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trong năm 2024 có nhiều tiến triển tích cực...", ông Thuận cho biết thêm.
Tin vui tương tự đến với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Vissan cho biết, mùa kinh doanh Tết vừa qua, công ty điều tiết sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường, nên sau Tết, các mặt hàng lạp xưởng, giò lụa tại kho lẫn trên thị trường đều tồn rất ít. Vì thế, ngay từ mùng 6 Tết, Vissan đã tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ đơn hàng 135 tấn đồ hộp cung cấp cho Trường Sa. Đây là tín hiệu đáng mừng cho khởi đầu năm mới 2024.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, từ trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm liên tiếp nhận được những đơn hàng xuất khẩu mới. Có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đủ để sản xuất đến tháng 3 và 4, có doanh nghiệp ổn định được đến tháng 6/2024. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã tuyển thêm lao động để kịp thời đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Ghi nhận những tín hiệu tích cực của doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, chia sẻ khảo sát nhanh các doanh nghiệp sau Tết Giáp Thìn 2024 cho thấy, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng, hoạt động trở lại từ ngày 19/2, lao động trở lại làm việc trên 90%.
Trong đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may và đồ gỗ đã có đơn hàng đến tháng 6/2024, cá biệt có doanh nghiệp nhận đơn hết năm.
Cũng là lĩnh vực đón tín hiệu tích cực từ đầu năm, Công ty TNHH sản xuất dịch vụ và thương mại Trường Phát cho biết đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu quần áo đi Nga năm 2024 do đó doanh nghiệp đã tiến hành tuyển dụng hơn 1.000 lao động. Ngay những ngày đầu năm công ty đang tăng ca, tăng kíp làm việc hết công suất để thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2024.
Dù tín hiệu đơn hàng phục hồi tích cực, nhưng trong bối cảnh kinh tế đối diện với nhiều khó khăn như hiện nay, các chuyên gia nhận định năm 2024 vẫn còn nhiều "chướng ngại vật" đối với các doanh nghiệp.
Ông Mai Xuân Tú, Giám đốc CTCP sản xuất Thương mại Hữu Nghị, hiện đang giải quyết việc làm cho 1.800 lao động, với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Tú, đầu năm 2024, số lượng đơn hàng tăng, doanh nghiệp đang cần tuyển dụng thêm khoảng 400 lao động cho nhiều vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
Tương tự, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC) Việt Nam đến nay đạt quy mô nhân sự hơn 900 người và vẫn đang tuyển dụng nhiều vị trí để sẵn sàng cho giai đoạn 2 của dự án Nhà máy hàng không linh kiện vũ trụ Sunshine.
>>>Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, ngành gỗ khởi sắc
Xoá bỏ rào cản
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital phân tích sản xuất chiếm gần 25% GDP của Việt Nam, vì vậy việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ được thúc đẩy từ việc tăng cường hoạt động sản xuất và mức tiêu dùng cao hơn trong năm nay, được hỗ trợ bởi việc gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng nội địa, những điểm yếu trong năm 2023 sẽ hồi phục.
Bày tỏ lạc quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tháng 1/2024, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh 18,3%, xuất khẩu tăng 42%. Nguồn cung các mặt hàng tại thị trường trong nước dồi dào, doanh thu dịch vụ tăng khá. Đây là những tín hiệu khả quan bước đầu. Tuy vậy, Bộ trưởng nhận định dự báo những tháng tiếp theo, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế, chính trị của thế giới. Theo đó, các địa phương cần phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, phấn đấu đạt được mục tiêu về sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, bước vào năm mới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có động lực, tinh thần phát triển mạnh mẽ, cũng như tìm hướng đi mới. “Cùng với những giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xóa bỏ các rào cản kinh doanh thì kỳ vọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ khởi sắc hơn”, ông Nam nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp tấp nập đơn hàng, xuất khẩu hàng hoá "sáng cửa"
02:00, 22/02/2024
Năm 2024: Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp dệt may có đơn hàng
11:30, 05/02/2024
Doanh nghiệp có thêm đơn hàng, xuất khẩu tăng trưởng dương
03:00, 05/02/2024
Hơn 70% doanh nghiệp chế biến chế tạo lạc quan về đơn hàng xuất khẩu quý I
03:00, 07/01/2024
Doanh nghiệp tìm kiếm nhiều đơn hàng mới từ thị trường Mỹ
03:20, 25/12/2023