Tiền Giang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo quy hoạch mới
Theo Quy hoạch vừa được Chính phủ phê duyệt, Tiền Giang là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát phấn đấu Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Giai đoạn 2021 - 2030, Tiền Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,0 - 8,0%/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9 - 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách.
Phát triển công nghiệp hiện đại
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra các đột phá tập trung vào giải quyết các điểm nghẽn như: hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với không gian phát triển kinh tế quốc gia, vùng, liên vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và đô thị xanh, thông minh, dịch vụ du lịch, thương mại, logistics, thị trường bất động sản theo hướng tích hợp thay vì chỉ chú trọng từng ngành biệt lập; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế chủ lực, nhất là nguồn nhân lực đáp ứng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Quy hoạch, Tiền Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước. Tỉnh sẽ phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, Tiền Giang tập trung phát triển tại 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha), tập trung phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao...
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển mạnh du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, nông nghiệp nông thôn, văn hoá - thể thao, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Tiền Giang cũng sẽ đẩy mạnh liên kết với thành phố Cần Thơ và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để hình thành các tuyến du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng trong tỉnh và liên tỉnh. Đồng thời, tăng cường phát triển logistics nhằm phát huy tối đa vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho vận giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.
Tiền Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (vùng trái cây, lúa, thủy sản) gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng các thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Phát triển nông nghiệp đi đôi với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa...
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Nhằm công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định và tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phù hợp với Quy hoạch tỉnh, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang. Qua đó, công bố Quy hoạch tỉnh Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết hợp giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Tiền Giang. Đây cũng là dịp giới thiệu môi trường đầu tư, các dự án mời gọi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư kết hợp trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư/ Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư/ Chủ trương nghiên cứu dự án. Hội nghị cũng là kênh kết nối, gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương với các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế có ý định tìm hiểu và đầu tư, hợp tác sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết: Tiền Giang sẽ ban hành Danh mục dự án mời gọi đầu tư và tăng cường công tác rà soát tình hình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh; thực hiện lựa chọn nhà đầu tư; tập trung xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy Khu công nghiệp Long Giang; hỗ trợ hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bình Đông để sớm mời gọi nhà đầu tư thứ cấp; hỗ trợ mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy cụm công nghiệp Gia Thuận 1; tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết để bảo đảm đủ điều kiện tổ chức mời gọi đầu tư đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư…
Có thể bạn quan tâm