Lào Cai - điểm đến đầu tư
Lào Cai đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Lào Cai.
Đó là chia sẻ của ông Phan Trung Bá - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thời gian qua, Lào Cai đã quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, vậy đâu là điểm nhấn, thưa ông?
Trong nhiều năm qua, việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư, các nguồn lực góp phần vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và chỉ số PCI. Trong đó, khẩn trương rà soát các quy hoạch, kế hoạch hiện tại, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy hoạch mới cho phù hợp với nhu cầu phát triển.
Lắng nghe những phản hồi của doanh nghiệp về việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, tỉnh đã kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn; rà soát, loại bỏ những thủ tục gây phiền hà, kiến nghị với Trung ương điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện dự án, tổ chức sản xuất kinh doanh.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của VCCI trong công tác hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, đưa Lào Cai trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Đến nay, về kết quả thu hút đầu tư năm 2023, tỉnh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 6.325 tỷ đồng; quản lý 29 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 730,399 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 7.317 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 96.377 tỷ đồng.
- Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được định vị phát triển thành khu vực động lực của hành lang biên giới của tỉnh. Ông có thể chia sẻ đôi nét về vấn đề này?
Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lào Cai sẽ là trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc và châu Âu; là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics, đô thị và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, có khả năng gắn kết với các địa phương trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tuyến dịch vụ thương mại, du lịch động lực của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được định vị phát triển thành khu vực động lực của hành lang biên giới của tỉnh, trọng tâm là phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, logistics, cảng cạn.
Tại Quyết định số 1199 về việc phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai sẽ được mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu: Mường Khương (Lào Cai, Việt Nam) - Kiều Đầu (Vân Nam, Trung Quốc), Bản Vược (Lào Cai, Việt Nam) - Pả Sa (Vân Nam, Trung Quốc) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương.
Để tạo động lực tăng trưởng kinh tế cửa khẩu, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu. Đặc biệt, kêu gọi đầu tư vào một số lĩnh vực trọng tâm gắn với hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, như: logistics, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, bảo hiểm, gia công chế biến xuất khẩu… Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, viễn thông, CNTT, cửa khẩu thông minh… để nâng cao năng lực vận chuyển, thông quan, tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp.
Năm 2022, PCI tỉnh Lào Cai được VCCI đánh giá là địa phương có sự bứt phá trong việc cải thiện xếp hạng PCI khi tăng 14 bậc trên bảng xếp hạng, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, lọt vào Top các tỉnh, thành phố đạt chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất.
- Lào Cai sẽ tập trung vào những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của năm 2024, thưa ông?
Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng tốc thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu cho UBND tỉnh quyết liệt triển khai đồng loạt các giải pháp. Cụ thể: Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của trung ương, của tỉnh, như Nghị quyết 48-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024; các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động của Tỉnh ủy đã ban hành.
Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, nhất là hoàn thiện tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe, cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), khởi công dự án Cảng Hàng không Sa Pa; đề xuất với Chính phủ sớm hiện thực hóa kết nối đường sắt xuyên biên giới và đầu tư xây dựng tuyến đường sắt khổ rộng (1.435mm) Lào Cai - Hà Nội, Hà Nội - Hải Phòng.
Cùng với việc thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua những khó khăn của suy thoái kinh tế, tỉnh tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Trước mắt, tập trung vào các thủ tục đầu tư, tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB… nhằm triển khai một cách có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm