Gia hạn Thông tư 02/2023: Thêm cơ hội để doanh nghiệp “hồi sức”

YẾN NHUNG 23/02/2024 03:00

Trong bối cảnh nền kinh tế còn tiếp tục khó khăn, “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, theo chuyên gia, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ thêm cơ hội để doanh nghiệp“hồi sức”...

>> Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

Theo đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối tháng 4/2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Thời gian qua, việc áp dụng Thông tư này đã góp phần không nhỏ vào việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế còn nhiều thách thức. Đồng thời cũng giúp các ngân hàng cũng giảm đi được áp lực hạch toán nợ xấu và trích lập dự phòng.

Thông tư 02/2023/TT-NHNN được ban hành đã đem đến nhiều kết quả tích cực thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Thông tư 02/2023/TT-NHNN được ban hành đã đem đến nhiều kết quả tích cực thời gian qua - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế cho thấy, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã cho thấy một số kết quả bước đầu. Đơn cử như ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), đến nay đã cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Cùng với đó, tại Techcombank, đến cuối tháng 01/2024 cơ cấu nợ của khách hàng là khoảng 6.000 tỷ đồng.

Vì vậy, việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn vào 30/6/2024 sẽ khiến nợ xấu có thể phình to, các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ, đồng thời tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp, việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn. Chưa kể, theo nhiều dự báo, doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối diện với các khó khăn trong năm 2024, thậm chí có thể kéo đến đầu năm 2025 ảnh hưởng đến khả năng trả nợ…

Trước thực trạng đã nêu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 mới đây, nhiều ý kiến đề xuất, cần thiết phải gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ thêm 6 đến 12 tháng.

>> Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều ý kiến cho rằng, gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ thêm 6 đến 12 tháng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội

Nhiều ý kiến cho rằng, gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ thêm 6 đến 12 tháng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội "hồi sức" - Ảnh minh họa: ITN

Xoay quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện tại, chúng ta không thể hy vọng thị trường bất động sản có thể phục hồi sớm, vì vậy đề xuất gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN là hợp lý. Nếu không gia hạn Thông tư này, các ngân hàng sẽ đối mặt với khó khăn, bởi phải hạch toán trở lại theo đúng nhóm nợ và rất có thể trong số đó có nhiều khoản nợ phải chuyển nhóm sâu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, thậm chí lợi nhuận giảm mạnh. Kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp tiến trình trích lập dự phòng rủi ro diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính.

“Đây là điều hợp lý, bởi truyền thống xử lý nợ xấu của Việt Nam là không làm ngay một lúc như nhiều quốc gia khác, mà làm từ từ. Nếu xử lý ngay một lúc thì phải có nguồn tài chính bổ sung, nhưng do không có nguồn tài chính bổ sung nên các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp tự thu xếp với nhau dần dần về khoản nợ. Đó cũng chính là lý do ở Việt Nam có khái niệm lãi dự thu”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Đồng thời đề xuất, không nên kéo dài quá lâu Thông tư 02/2023/TT-NHNN, mà nên gia hạn tối đa 01 năm, đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN là cần thiết.

Theo vị chuyên gia này, thời gian qua kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể trả nợ đúng hạn, bị rơi vào nhóm nợ xấu hoặc chuyển nhóm nợ. Việc kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp doanh nghiệp có thêm hy vọng “hồi sức”.

“Nền kinh tế vẫn còn khó khăn, theo tôi có thể kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Liên quan đến đề xuất gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, trước đó, không ít ý kiến cũng bày tỏ, việc gia hạn hiệu lực Thông tư này không chỉ giúp giảm áp lực gia tăng nợ xấu đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản cao, mà còn  giúp người đi vay (các doanh nghiệp) có thêm thời gian để thu xếp dòng tiền trả nợ, từ đó, có thể giải quyết dứt điểm nợ xấu tiềm tàng của hệ thống ngân hàng.

Được biết, trước các đề xuất về việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đồng tình, sẽ gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhưng phải xem xét những vấn đề nội hàm của Thông tư có phải thay đổi không hay chỉ thay đổi về mặt thời gian. Việc thay đổi phải đảm bảo hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, chất lượng nợ của các ngân hàng thương mại không để nợ xấu phát sinh, dẫn đến hậu quả sau này.

Có thể bạn quan tâm

  • Gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ: Cần đánh giá kỹ đối tượng áp dụng

    Gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ: Cần đánh giá kỹ đối tượng áp dụng

    11:05, 22/02/2024

  • Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

    Cần thiết gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN

    04:00, 15/01/2024

  • Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp

    Kéo dài thời hạn Thông tư 02/2023: Giảm áp lực nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp

    05:30, 22/12/2023

  • Cần gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ Ngân hàng và doanh nghiệp

    Cần gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ Ngân hàng và doanh nghiệp

    02:50, 18/12/2023

  • Cách tiếp cận trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi không phù hợp

    Cách tiếp cận trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi không phù hợp

    15:00, 01/04/2019

YẾN NHUNG