Lan tỏa “sức mạnh” văn hoá Việt Nam
Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới là sự lan tỏa “sức mạnh mềm” về bản lĩnh, văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
>>“Sinh lời” trong đầu tư văn hóa
PGS,TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về lan toả văn hoá Việt Nam ra thế giới.
- Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới?
Lan tỏa văn hoá Việt Nam ra thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển đất nước, giúp Việt Nam xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt với các quốc gia khác thông qua sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tạo nền tảng cho hợp tác và giao thương quốc tế.
Một hình ảnh tích cực về Việt Nam sẽ tạo niềm tin từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế, đồng thời kích thích phát triển kinh tế thông qua việc thu hút vốn đầu tư và hợp tác kinh doanh.
“Sức mạnh mềm” văn hoá sẽ giúp Việt Nam tham gia tích cực trong các diễn đàn quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, và an ninh toàn cầu, góp phần vào việc xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Đặc biệt, văn hoá sẽ thúc đẩy du lịch phát triển bằng việc du khách quốc tế tìm đến Việt Nam để khám phá về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam, từ đó lan tỏa lợi ích sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác cũng như giúp kinh tế, văn hóa của các địa phương, địa điểm du lịch phát triển tốt hơn.
- Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho văn hóa thời gian qua còn dàn trải và chưa thực sự mang lại hiệu quả, thưa ông?
Trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng chủ trương “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” và quan tâm đầu tư đúng mức cho phát triển văn hóa.
Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển, ngân sách dành cho văn hóa còn nhiều hạn chế. Hiện mức chi cho văn hóa mới chỉ dừng lại ở 1,71% chi thường xuyên, thấp hơn so với yêu cầu là 1,8% đã được đặt ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII) từ năm 1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
>>Xây dựng văn hóa đi đôi phát triển bền vững - Bài 1: Cải thiện năng lực người Việt
>>Xây dựng văn hóa đi đôi phát triển bền vững: (Bài 2) Những giải pháp
Khi nguồn lực ngân sách cho phát triển văn hóa không đáp ứng yêu cầu, chắc chắn nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa sẽ bị ảnh hưởng.
Qua thực tiễn nắm bắt tại địa phương với vai trò của người nghiên cứu, cũng như qua các cuộc giám sát cùng đoàn đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy trừ một số địa phương có truyền thống quan tâm đến văn hóa, nhận thức và hành động của nhiều địa phương đối với phát triển văn hóa nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như ý nghĩa và vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”, có cũng được mà thiếu cũng không sao. Các hoạt động văn hóa chủ yếu mang tính phong trào, ít gắn bó với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Do đó, đầu tư cho văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không đảm bảo theo quy định và đúng với kỳ vọng. Việc bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa cũng rất tùy tiện.
Đến nhiều địa phương, tôi nhận thấy việc ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết của Đảng về văn hóa, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa chủ yếu là để báo cáo, còn những hành động cụ thể thì ít được triển khai.
Gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, chúng ta đã thấy có sự chuyển biến tích cực, nhưng tôi vẫn hết sức lo ngại. Bởi, cũng giống như sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII, văn hóa được quan tâm đặc biệt, thể hiện ở các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, kể cả trong công tác cán bộ văn hóa, nhưng sau đó một thời gian, văn hóa lại ít được nhắc đến.
- Vậy, ông có đề xuất, kiến nghị gì để khắc phục tình trạng này?
Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị và cơ chế phân bổ nguồn đầu tư công trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển văn hóa. Thay vì đầu tư dàn trải, cơ chế đầu tư cần hướng tới các mục tiêu dài hạn và được triển khai theo các tiêu chí rõ ràng.
Nhà nước xây dựng kế hoạch cụ thể và lựa chọn đầu tư vào các lĩnh vực, các ngành trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.
Thứ hai, Nhà nước cần trở thành khách hàng trong thị trường văn hóa - nghệ thuật, hỗ trợ các tổ chức và nghệ sĩ thông qua việc mua các sản phẩm, dịch vụ.
Nguyên tắc căn bản trong phân bổ nguồn lực chính là “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, đầu tư từ ngân sách chỉ đóng vai trò "vốn mồi" để thu hút thêm các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như cơ sở hạ tầng, quảng bá thương hiệu...
Thứ ba, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, phát huy sự tham gia của xã hội vào việc phát triển văn hóa. Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất… nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư cho phát triển văn hóa.
Thứ tư, Nhà nước nên khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản...
Thứ năm, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng trong phân phối nguồn lực, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn tài trợ công giữa các đơn vị công lập và tư nhân, giữa các nghệ sĩ làm việc cho các tổ chức và các nghệ sĩ tự do.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng văn hóa đi đôi phát triển bền vững: (Bài 2) Những giải pháp
04:09, 13/02/2024
Xây dựng văn hóa đi đôi phát triển bền vững - Bài 1: Cải thiện năng lực người Việt
10:00, 12/02/2024
Nhà văn Nguyễn Một: Văn hóa là tạo ra giá trị thật!
02:48, 12/02/2024
“Sinh lời” trong đầu tư văn hóa
03:43, 11/02/2024
Văn hóa doanh nghiệp và nhân sự
01:00, 08/02/2024
Khi tư nhân làm công nghiệp văn hóa
15:46, 05/02/2024