Công bằng cơ hội quyết định công bằng kinh tế

NGUYỄN VIỆT 27/02/2024 01:34

Công bằng trong tiếp cận cơ hội sẽ quyết định công bằng trong kết quả của kinh tế và công bằng trong thu nhập của người dân.

>>Chuyển dịch ngân hàng điện tử tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ về sự công bằng trong tiếp cận các cơ hội. Để giải quyết các vấn đề xã hội cũng như các vấn đề kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chúng ta cần phải quan tâm đến sự công bằng trong tiếp cận các cơ hội.

Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp nuôi cá đồng và trồng bông súng cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).

Mô hình sản xuất lúa - tôm kết hợp nuôi cá đồng và trồng bông súng cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu).

Nhìn về công bằng trong cơ hội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá chỉ riêng phát triển vùng miền của chúng ta còn thiếu công bằng trong cơ hội. Có ý kiến cho rằng, một trong những “cửa ải” Việt Nam đã vượt qua là an ninh lương thực.

“Chúng ta vượt qua cửa ải này là do khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp khoảng 65% tổng lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đến nay đồng bằng sông Cửu Long vẫn là "vùng trũng" một cách toàn diện của Việt Nam với tỉ lệ nghèo cao so với các vùng đồng bằng khác, là vùng thấp và "trũng" về giáo dục, công nghệ, hạ tầng…

An ninh lương thực đạt được cho cái chung, nhưng đã trở thành một “vùng trũng” và phải “trả giá” do bị “vòng kim cô” về trách nhiệm an ninh lương thực cho cả nước trong suốt thời gian dài nên dẫn đến việc thể không phát triển được những lĩnh vực khác.

Chỉ đến khi có Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, với chủ trương cho đồng bằng sông Cửu Long được phép đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp.

Trước đây, khu vực này “không có gì ngoài gạo”, còn hiện nay đã ưu tiên phát triển thuỷ sản, trái cây và gạo. “Chỉ cần một chủ trương đã làm cho nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua khởi sắc và phát triển”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra rằng, mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì lại dựa vào “bệ đỡ” nông nghiệp. Nhưng, chính tại “trung tâm nông nghiệp” thì lại luôn gặp khó khăn. Đơn cử, về hạ tầng nhiều năm nay chúng ta phát triển đường cao tốc nhưng rất ít được đầu tư ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ yếu đầu tư hệ thống ở khu vực phía Bắc mà không có kết nối nội vùng cho đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giữa đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM là trung tâm kinh tế của phía Nam, đây cũng là nền kinh tế động lực rất lớn của đất nước.

“Qua đây cho thấy đầu tư giữa các vùng miền cũng có sự không công bằng”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.

>>Liên kết, phát triển bền vững du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long

>>Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng tư duy kiến tạo cho mạng lưới khởi nghiệp

Vẫn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau cũng có sự không công bằng. Ví dụ, nông nghiệp ít được đầu tư. Cho đến hiện nay không biết con số còn bao nhiêu phần trăm đầu tư từ ngân sách nhà nước dành cho nông nghiệp.

Nhưng phần lớn nông nghiệp “bứt phá” được như thời gian qua là do sự năng động của nông dân, tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn để làm nên thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Nhìn vào những "đại gia" sản xuất lúa gạo hiện nay thì đa phần là của tư nhân.

"Còn nhà nước chủ yếu là các tổng công ty lương thực buôn bán gạo, không đứng ra tổ chức sản xuất, làm từ đầu và đi cùng với nông dân, hướng dẫn, cung cấp cho nông dân đầu vào, kéo các nhà kỹ thuật, công nghệ vào để giúp cho nông nghiệp cải thiện cả về sản lượng lẫn chất lượng lúa gạo của Việt Nam. Đây cũng là một điểm không công bằng”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.

Có một lĩnh vực chúng ta đang rất cần và thường xuyên nhắc đến, đó là giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ cũng được đầu tư rất ít. Đây cũng là sự không công bằng trong cơ hội cũng như trong phân phối các nguồn lực cần thiết.

Bình luận về sự công bằng trong cơ hội đối với khu vực tư nhân, thời gian đầu chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan “có trách” các “đại gia” tư nhân của Việt Nam rằng tại sao chỉ "lo" làm giàu từ đất đai.

“Nhưng suy cho cùng, họ không có cơ hội tiếp cận nào khác để làm ngoài đất đai. Bởi, tất cả các lĩnh vực khác đã được DNNN hoặc FDI lấp đầy, không còn nhiều cơ hội cho tư nhân Việt Nam tham gia phát triển công nghiệp. Với khoa học công nghệ, chúng ta chưa có gì mang tính “đột phá” để tư nhân tham gia. Đây là những vấn đề lớn chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Về sự công bằng giữa các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nguồn lực vẫn ưu tiên phân bổ cho DNNN, doanh nghiệp FDI và không còn bao nhiêu nguồn lực để dành cho khu tư nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Thể chế quản lý năng lượng ở vùng ĐBSCL

    12:30, 18/02/2024

  • Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Thách thức về thể chế quản trị nguồn nước tại ĐBSCL

    02:00, 18/02/2024

  • Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Đề xuất 8 hình thức liên kết phát triển du lịch ở ĐBSCL

    02:00, 17/02/2024

  • Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng: Những khuyến nghị xây dựng Thương hiệu vùng ĐBSCL

    11:30, 16/02/2024

NGUYỄN VIỆT