Hải quan - Doanh nghiệp: Đồng hành cùng phát triển
Thời gian qua Hải quan Quảng Ninh chiếm được lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp mà còn thúc đẩy hoạt động XNK qua các địa bàn, đóng góp vào các chỉ tiêu tăng trưởng của địa phương.
>>>Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Quảng Ninh vào guồng sản xuất
Từ một chi cục...
Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian qua Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đã trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục HQCK Móng Cái: Từ đầu năm 2024, Chi cục bám sát chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh xây dựng, triển khai đồng bộ, quyết liệt các chương trình, kế hoạch trọng tâm năm với những giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, đảm bảo hoạt động công vụ diễn ra thông suốt; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Hưng, đơn vị luôn đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa hải quan, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện theo lộ trình của Tổng cục Hải quan và tỉnh Quảng Ninh. Trong đó tích cực tham mưu cho Cục Hải quan tỉnh đẩy nhanh xây dựng "Cửa khẩu số", "Hải quan số" nhằm chia sẻ thông tin với các bộ, ngành ở địa phương và trung ương.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCISS, Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống một cửa quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan, chủ động, kịp thời và tích cực tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách trong công tác hỗ trợ đồng hành doanh nghiệp…
Ngoài ra, Chi cục kiểm soát chặt địa bàn, chủ động phát hiện, ngăn chặn hiệu quả, xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Chi cục bám sát chỉ đạo của Cục Hải quan tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 TP Móng Cái tiếp tục triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024; đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật, đảm bảo ANTT, bảo vệ Tết Nguyên đán 2024. Từ đầu năm đến nay đơn vị đã bắt giữ, xử lý 16 vụ/16 đối tượng, phạt vi phạm hành chính 60,7 triệu đồng.
Trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động XNK qua địa bàn được duy trì ổn định, nhiều dấu hiệu khởi sắc. Đến ngày 20/2 Chi cục đã làm thủ tục cho trên 9.100 tờ khai, tổng kim ngạch hàng hóa XNK hơn 385 triệu USD, tăng gần 35% về tờ khai, tăng 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023; tổng số 406 doanh nghiệp làm thủ tục qua địa bàn Móng Cái (155 doanh nghiệp trong tỉnh, 251 doanh nghiệp ngoài tỉnh), tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 76 doanh nghiệp mới phát sinh, tăng 36 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
...đến toàn ngành
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp tục là điểm sáng của Cục Hải quan Quảng Ninh. Các tổ hỗ trợ, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp đã được đơn vị duy trì, hoạt động hiệu quả.
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại doanh nghiệp cấp Cục, 12 hội nghị cấp chi cục, giải đáp kịp thời 54 vướng mắc. Cùng với đó, đơn vị đã tổ chức 20 đoàn công tác cấp cục và cấp chi cục đến "gõ cửa" doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết khó khăn tại chỗ cho doanh nghiệp. Chưa dừng lại ở đó, tại các chi cục hải quan cũng triển khai đa dạng các hình thức đối thoại, tham vấn, duy trì giải đáp vướng mắc tại nơi làm thủ tục, qua điện thoại, email, website, fanpage.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai: Đơn vị đã nhiều lần tổ chức hội nghị gặp mặt, tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời lắng nghe, nắm bắt và hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chi cục đã lựa chọn doanh nghiệp có số lượng tờ khai, kim ngạch, số thu lớn để tổ chức các đoàn công tác đến làm việc với doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, tổ chức các đoàn công tác tiếp xúc, vận động, thu hút đối với doanh nghiệp có lưu lượng hàng hoá và số thu lớn về làm thủ tục tại tỉnh Quảng Ninh.
Kết quả thống kê từ Hệ thống đánh giá chất lượng phục vụ của công chức Hải quan Quảng Ninh cho thấy, có 99% doanh nghiệp đánh giá “Rất hài lòng”. Song hành với các hoạt động đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, Hải quan Quảng Ninh cũng duy trì hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và các chương trình, phần mềm cốt lõi phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo ổn định, thông suốt.
Hải quan Quảng Ninh đã tiếp nhập và trả kết quả trên hệ thống một cửa quốc gia 4.638 tờ khai; làm thủ tục hải quan cho 3.161 lượt phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh được trên hệ thống E-manifest; cung cấp 590 C/O form D qua hệ thống một cửa ASEAN; tiếp nhận và phát hành kết quả xử lý 3.165 hồ sơ thủ tục trên dịch vụ công trực tuyến HQ36a…
Theo ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C: Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cũng như tích cực cải cách hiện đại hóa của cơ quan Hải quan đã “hút: các Doanh nghiệp đến với Quảng Ninh, trong đó có DEEP C. Tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư FDI lớn, có năng lực, kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia như (hạ tầng khu công nghiệp, nhà xưởng cho thuê), dệt may, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; chế biến thực phẩm...
Theo BQL Khu kinh tế, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đã góp phần làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm tỷ trọng sản phẩm khai khoáng, mặt hàng sơ cấp, tăng dần tỷ trọng các mặt hàng chế tạo. Đồng thời, khối doanh nghiệp FDI có tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, các nước trong khu vực ASEAN... làm thay đổi đáng kể cơ cấu xuất khẩu (chủ yếu từ trước tới nay chỉ có mặt hàng than và một số khoảng sản-PV). Nhóm doanh nghiệp FDI cũng duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ có các chính sách thu hút và khuyến khích của tỉnh, chính sách giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Có thể nói, việc tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI sẽ là động lực, thúc đẩy phát triển, tăng trưởng các hoạt động, dịch vụ như logistic, tạo ra chuỗi cung ứng liên kết, tác động trực tiếp giúp thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nội địa.
Hiện có 8/10 khu công nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh gồm: Cái Lân, Đông Mai, Việt Hưng, Hải Yên, Hải Hà, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đã được đầu tư, đi vào hoạt động, thu hút trên 100 doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 5,288 tỷ USD.
Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp trên đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động XNK. Từ đó nâng cao tính minh bạch, tuân thủ trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Hải quan. Sự tin tưởng, đánh giá ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp đã đảm bảo lượng doanh nghiệp tăng, kim ngạch tăng và số thu NSNN . Góp phần đưa Quảng Ninh có năm thứ 9 liên tiếp giữ đà tăng trưởng kinh tế 2 con số và năm đầu tiên đứng đầu cả nước trong thu hút FDI, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Có thể bạn quan tâm