Bảo vệ tài sản trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc
Bảo vệ âm nhạc truyền thống nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa của âm nhạc cộng đồng là bài toán cần được giải quyết.
>>Duolingo và dấu chân tham vọng trong lĩnh vực âm nhạc
Khi mùa xuân về, người Việt trên khắp mọi miền tổ quốc lại nô nức với những giai điệu xuân rộn ràng, bay bổng. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của nền âm nhạc nước nhà, trong những năm gần đây có không ít những vụ việc tranh chấp bản quyền. Đơn cử là bài hát Tết đong đầy do Khoa Nguyễn và Kay Trần kết hợp sáng tác với những lời ca quen thuộc được phát hành lần đầu vào năm 2020:
“...Xuân năm nay đến, bao nhiêu câu chúc, chúc gia đình nhà nhà luôn hạnh phúc
Hoa mai đua sắc cùng rạo rực đón xuân hy vọng một năm mới luôn bình an…”
Sau 4 năm, nhạc phẩm này đã thu hút gần 150 triệu lượt xem trên kênh YouTube. Đầu năm 2023, bản quyền ca khúc Tết đong đầy bị đưa ra tranh chấp. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ tranh chấp liên quan đến bản quyền tác phẩm âm nhạc trên thị trường hiện nay.
Bảo tồn và phát triển
Âm nhạc là một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc trên thế giới. Bên cạnh là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của một vùng miền, âm nhạc thể hiện đời sống tâm hồn, tình cảm của con người, phản ánh những nét đặc trưng của văn hóa địa phương. Tại Việt Nam, có thể chia âm nhạc truyền thống thành nhiều thể loại khác nhau, phổ biến như: dân ca, cải lương, âm nhạc cung đình,… Mỗi thể loại đều có những đặc điểm riêng biệt.
Ngược lại với các hình thức nghệ thuật khác, tĩnh hơn, chẳng hạn như nghệ thuật thị giác, âm nhạc là một loại hình đặc biệt mang tính tức thời, luôn thay đổi và chuyển động, chỉ tồn tại “phù du” và “nhất thời” trong sự thể hiện của chính nó. Ở góc độ văn hóa, âm nhạc không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà còn là một phương tiện để lưu giữ và truyền tải những giá trị tinh thần của dân tộc.
Về khía cạnh giao thoa, âm nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại là hai dòng chảy âm nhạc khác nhau, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Văn hóa âm nhạc cần được thúc đẩy phát triển theo hướng hội nhập toàn cầu, nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này có nghĩa là phải hòa nhập nhưng không hòa tan.
Ở nước ta, sự giao thoa giữa hai dòng chảy này đã tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo và hấp dẫn. Tiêu biểu như ca khúc "Xẩm Hà Nội" của ca sĩ Hà Myo và Thế Phương VBK ra mắt năm 2020 là sự kết hợp giữa âm nhạc xẩm truyền thống với âm nhạc điện tử (EDM) và rap, đã tạo nên một sản phẩm âm nhạc mới mẻ và thu hút được nhiều khán giả.
Nhìn chung, âm nhạc vừa là di sản văn hoá truyền thống, vừa là cầu nối giữa các nền văn hoá hiện đại. Nhiều quốc gia sử dụng âm nhạc để truyền đạt văn hoá vào đời sống tinh thần của cộng đồng. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật mang tính sáng tạo cao. Do đó, cần đề cao sự tự do sáng tạo trong âm nhạc, nhưng đồng thời vẫn có cơ chế can thiệp cần thiết để duy trì trật tự phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững.
Phương thức hòa nhập an toàn
Hướng đến sân chơi thương mại lành mạnh, mang tính bền vững về lâu dài, tăng cường bảo hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc và nhãn hiệu âm thanh sẽ là một trong những phương thức cạnh tranh thế hệ mới được nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển quan tâm để bảo vệ các tài sản trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tác phẩm âm nhạc và nhãn hiệu âm thanh là một trong những đối tượng được bảo hộ bản quyền. Hay nói cách khác, nước ta “bảo hộ những giai điệu” dưới 2 hình thức quyền tác giả và nhãn hiệu.
Về quyền tác giả, tác phẩm âm nhạc được pháp luật bảo hộ, dù đã công bố hay chưa công bố, thực hiện thủ tục đăng ký hay chưa đăng ký. Điều kiện bảo hộ tác phẩm âm nhạc là được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Các hình thức thể hiện tác phẩm âm nhạc bao gồm: văn bản nhạc, bản ký âm, bản demo, bản thu âm, Trong đó, thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là kể từ thời điểm tác phẩm được sáng tác.
Về mặt ý nghĩa, bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; khuyến khích sáng tạo, phát triển nghệ thuật âm nhạc; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số như hiện nay, việc bảo hộ di sản âm nhạc truyền thống là một vấn đề cấp thiết nhằm bảo vệ và phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc này.
Về nhãn hiệu, nếu nhãn hiệu truyền thống là những dấu hiệu có thể nhìn thấy, dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau thì nhãn hiệu phi truyền thống là những dấu hiệu không nhìn thấy được như âm thanh, mùi vị, hương thơm. Ngày nay, âm thanh là một trong những dấu hiệu phân biệt được các cá nhân, tổ chức đăng ký bảo hộ. Nhãn hiệu âm thanh cũng là đối tượng thường xuyên bị tranh chấp bởi tính phổ biến trong đời sống và giá trị thương mại mà nó mang lại. Chính vì vậy, bảo hộ nhãn hiệu âm thanh là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống và phát triển nền công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam.
Theo báo cáo Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu âm thanh đang ngày càng gia tăng cho thấy những khởi sắc trong việc tiếp cận đối tượng bảo hộ này ở nước ta. Trong đó, điều kiện để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh dựa trên yếu tố về “tính phân biệt” nhằm phân biệt hàng hóa/dịch vụ của các nhà cung cấp khác nhau; và “tính phi chức năng” vì chỉ các dấu hiệu không mang đặc tính chức năng của sản phẩm hoặc dịch vụ thì mới có thể được đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Instagram nhắc người dùng trẻ “đi ngủ sớm”
11:00, 22/01/2024
Duolingo và dấu chân tham vọng trong lĩnh vực âm nhạc
02:10, 04/10/2023
Show âm nhạc quốc tế mang doanh thu "khủng" cho du lịch Thủ đô
09:31, 05/08/2023