Doanh nghiệp xuất khẩu điều đối mặt nguy cơ thua lỗ, phá sản

THY HẰNG 27/02/2024 14:05

Giá điều thô có thời điểm tăng cao trong khi giá điều nhân cũng tăng nhưng không tương ứng, khiến nhiều doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

>>>Doanh nghiệp ngành điều làm gì để phát triển bền vững?

Doanh nghiệp ngành điều Việt Nam đang giữ vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng hạt điều trên thế giới. Theo Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), Việt Nam đang nhập khẩu tới gần 65% sản lượng điều thô và chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thị trường thế giới.

năm 2023, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, chế biến xuất khẩu trên 600.000 tấn điều nhân.

Năm 2023, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, chế biến xuất khẩu trên 600.000 tấn điều nhân.

Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS, cho dù gặp nhiều khó khăn những năm qua ngành điều Việt Nam đã lập một kỷ lục mới, xuất khẩu trên 645.300 tấn điều nhân các loại.

Cụ thể, năm 2023, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam nhập khẩu xấp xỉ 3 triệu tấn điều thô, chế biến xuất khẩu trên 645.300 tấn điều nhân. Tuy nhiên, giá điều thô có thời điểm tăng cao trong khi giá điều nhân cũng tăng nhưng không tương ứng, khiến nhiều doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Bước qua đầu mùa vụ điều năm 2024, nỗi lo này lại chực chờ khi vẫn tiếp diễn tình trạng doanh nghiệp, nhà máy chế biến điều trong nước có dấu hiệu mạnh ai nấy chạy đua nguyên liệu, tranh nhau làm giá khiến cho giá điều thô khả năng tiếp tục lên cao.

“Thành công về xuất khẩu nhưng lại đang hình thành nguy cơ lớn đối với ngành điều Việt Nam và cũng như với ngành điều toàn cầu. Cụ thể, sự tăng trưởng "nóng" của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, từ đó, giá nhân điều giảm sâu trong khi giá điều thô rất cao. Giá nhân điều ở đầu vụ, cuối vụ có giảm nhưng chất lượng cũng giảm và vẫn không cân đối với giá bán của điều nhân khiến cho nhiều nhà chế biến thua lỗ”, ông Công chia sẻ.

Cũng theo ông Công, sự tăng trưởng "nóng" về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này còn khiêm tốn. Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô như quy định mức giá bán tối thiểu, quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao. 

Các nhà chiên rang điều, kinh doanh siêu thị gặp sự cạnh tranh của các loại hạt khác và tiêu dùng giảm không tăng được giá bán nên không tăng giá mua nhân điều. 

"Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, hàng loạt nhà chế biến điều trong nước và thế giới sẽ phá sản. Việt Nam có thị phần gần 80 % lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới - sự đổ vỡ của ngành chế biến điều Việt Nam sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường với ngành điều thế giới không chỉ là giảm sút, đứt gãy nguồn cung nhân điều mà còn là nguy cơ lớn với những nước trồng điều và xuất khẩu điều thô do sụt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam", ông Công cảnh báo. 

Ông Trần Công Khanh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều - cho hay, những thách thức đối với hạt điều Việt Nam hiện nay đó là sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn còn thấp, sức cạnh tranh một số sản phẩm vẫn còn kém; việc liên kết, hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị vẫn còn yếu, đặc biệt là việc xúc tiến thương mại, liên kết với các đối tác nước ngoài có thị trường tiềm năng; liên kết vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế; chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ quốc tế cho cây điều vẫn chưa thực hiện được nhiều.

>>>Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: 100 container "về tay" doanh nghiệp Việt

Trước thực tế này, ông Công cho rằng, việc chủ động định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu, với sự tham gia của doanh nghiệp nội địa và nhiều quốc gia sản xuất điều là cần thiết để tìm tiếng nói chung, liên kết với nhau giải quyết những bất ổn, duy trì sự phát triển ổn định, bền vững.

sự tăng trưởng

Sự tăng trưởng "nóng" của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, từ đó, giá nhân điều giảm sâu trong khi giá điều thô rất cao.

Đối với vấn đề điều thô ở các nước như châu Phi, Campuchia, chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam đang rất cần Chính phủ, các Bộ ngành xem xét, nghiên cứu để có những chính sách và biện pháp phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế đối với nhân điều nhập khẩu.

Những biện pháp này nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp chế biến điều nhân trong nước với các doanh nghiệp chế biến điều nhân châu Phi. Từ đó, doanh nghiệp sẽ giữ ổn định được việc làm, đời sống của hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều. Trong đó có phần đông là bà con dân tộc thiểu số, bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; và hàng trăm ngàn công nhân, người lao động trong các nhà máy chế biến điều.

Giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững là đầu tư, chuyển mạnh sang chế biến sâu. Bởi vì phần lớn doanh nghiệp chỉ mới chế biến điều nhân rồi xuất thô cho các nhà chế biến của thế giới. 

Doanh nghiệp phải tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu và đầu tư cho nghiên cứu phát triển thị trường. Bên cạnh việc khơi dậy nhu cầu từ đó sáng tạo sản phẩm để đáp ứng; doanh nghiệp phải có những phương thức quảng bá năng động để nhanh chóng đưa sản phẩm chế biến đến với người tiêu dùng cuối cùng. Để chế biến sâu phải có vốn lớn để đầu máy móc, công nghệ. Vì thế doanh nghiệp rất cần có thêm sự hỗ trợ từ ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp ngành điều làm gì để phát triển bền vững?

    12:00, 02/05/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đến năm 2045, ngành Đo đạc và Bản đồ trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại

    20:15, 27/03/2023

  • Ngành điều cần điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu

    03:30, 06/08/2022

  • Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Hồi kết có hậu và bài học cho ngành điều

    04:10, 01/06/2022

  • Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn cấp về nghi án lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều

    15:06, 15/03/2022

THY HẰNG