Tiền Giang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh qua DDCI
Tập trung nâng hạng các chỉ số liên quan năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của UBND tỉnh Tiền Giang.
Đánh giá xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tạo ra mục tiêu kép, vừa trao quyền cho doanh nghiệp đánh giá, giám sát chính quyền, vừa thúc đẩy cải thiện chất lượng quản trị, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành, huyện, thị tại Tiền Giang.
Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện đánh giá xếp hạng DDCI với sự kỳ vọng trở thành hoạt động thường niên, qua đó giúp nhìn nhận và đánh giá chính xác về năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Tín hiệu tích cực
Bộ chỉ số DDCI Tiền Giang bao gồm 08 chỉ số thành phần cho khối sở, ban, ngành (SBN) và 09 chỉ số thành phần cho khối địa phương, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp (DN). Theo đó, một đơn vị cơ sở được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: Môi trường kinh doanh minh bạch, thông tin kinh doanh công khai, ứng dụng công nghệ thông tin tốt; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Đơn vị năng động, sáng tạo trong việc triển khai các chủ trương của UBND tỉnh để giải quyết các nhu cầu cho DN; Người đứng đầu đơn vị quyết đoán, lắng nghe ý kiến của DN và có những hành động cụ thể, thiết thực để giải quyết các vấn đề của DN; Hoạt động hỗ trợ, đối thoại với DN phát triển, có nội dung thiết thực với doanh nghiệp; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự; và Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định (Chỉ số dành riêng cho khối địa phương).
Trong năm đầu tiên triển khai DDCI tại Tiền Giang, đã có 11 thành phố, thị xã, huyện và 23 SBN được lựa chọn đánh giá. Chương trình đã thu hút 1.507 DN khảo sát, đạt tỷ lệ 50,23% trên quy mô khảo sát. Tổng số phiếu hợp lệ thu về là 2.128 phiếu, gồm 1.558 phiếu đánh giá khối SBN và 570 phiếu đánh giá khối địa phương.
Kết quả cho thấy, đối với khối SBN, đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng là Sở Tài chính, với 79,23 điểm. Đứng thứ hai là Sở Kế hoạch và Đầu tư với 77,47 điểm. Đây là cũng là 2 đơn vị duy nhất được xếp vào nhóm “Rất tốt”.
Đáng chú ý, điểm trung vị DDCI khối SBN năm 2022 là 65,40 điểm. Đây là mức điểm khá cao, phản ánh sự đánh giá khá tích cực của cộng đồng DN tỉnh Tiền Giang với các SBN của tỉnh. Đặc biệt, Vai trò người đứng đầu là chỉ số có điểm trung vị cao nhất: 7,48 điểm. Mức điểm này phản ánh đánh giá chung của cộng đồng DN tỉnh về khía cạnh “Vai trò người đứng đầu” ở các SBN tỉnh Tiền Giang là tích cực. Trong khi ở phía ngược lại, chỉ số Đối xử bình đẳng (6,02 điểm), chỉ số Chi phí không chính thức (5,44 điểm) và nhất là chỉ số Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động (5,18 điểm) là những chỉ số chưa thực sự tốt ở khối SBN.
Đối với khối địa phương, dẫn đầu bảng xếp hạng là huyện Gò Công Đông, với 80,15 điểm. Điểm trung vị của khối địa phương là 63,77 điểm, thấp hơn điểm trung vị của khối SBN 1,63 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là mức điểm khá tốt, phản ánh mức độ đánh giá chung khá tích cực của cộng đồng DN đối với chất lượng điều hành của các chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang. Tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng là chỉ số có điểm trung vị tốt nhất, ở mức 7,40 điểm. Trong khi đó, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (5,48 điểm) và Đối xử bình đẳng (5,47 điểm) là hai chỉ số có điểm số chưa thật sự tốt.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Thông qua khảo sát DDCI Tiền Giang năm 2022, nhóm nghiên cứu của VietAnalytics đã đưa ra khuyến nghị: Đối với cả hai khối SBN và địa phương, nhiều DN bày tỏ kỳ vọng các cơ quan chính quyền cải thiện quy trình thủ tục hành chính (TTHC) tinh gọn hơn nữa, thúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện TTHC cho DN. Bên cạnh đó, nhiều DN mong muốn các cơ quan chính quyền có thêm các chương trình hỗ trợ thiết thực, cụ thể, kịp thời để DN vượt qua khó khăn, hồi phục sản xuất kinh doanh.
Để chương trình DDCI thực sự trở thành một công cụ giúp tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhóm nghiên cứu để xuất:
Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho cộng đồng DN tỉnh Tiền Giang về ý nghĩa của DDCI đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, cũng như sự đảm bảo tuyệt đối về bảo mật thông tin đối với các DN tham gia khảo sát. Điều này sẽ giúp các DN không e ngại và thể hiện cảm nhận trung thực của mình đối với đơn vị được đánh giá.
Ngoài ra, cần chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh về Bộ chỉ số DDCI; vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc cải thiện và nâng cao chỉ số DDCI của đơn vị mình…
Thứ hai, để phát huy hiệu quả của Bộ chỉ số DDCI trong việc nâng cao chất lượng điều hành của các SBN, địa phương, việc tổ chức khảo sát, đánh giá cần được thực hiện định kỳ hằng năm một cách hệ thống, khoa học và đảm bảo các nguyên tắc của DDCI. điều chỉnh, bổ sung Bộ chỉ số DDCI để phù hợp với thực tiễn của địa phương, với thay đổi của Bộ chỉ số PCI.Ngoài ra, quá trình khảo sát, đánh giá cần nhiều thời gian để triển khai, do đó, tỉnh Tiền Giang cần chủ động xây dựng và phê duyệt kế hoạch để tổ chức thực hiện.
Có thể bạn quan tâm