Người thu nhập thấp khó mua được nhà ở xã hội
Nhiều ý kiến cho rằng người có nhu cầu thực và đáp ứng đúng điều kiện mua nhà ở xã hội như quy định hiện hành đang không đủ khả năng mua được nhà kể cả được vay với lãi suất 0%.
>>Tháo gỡ “nút thắt” phát triển nhà ở xã hội
Trong một chia sẻ mới đây, TS Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho biết, chương trình phát triển nhà ở xã hội - vốn mang một ý nghĩa nhân văn, sâu sắc dường như vẫn dậm chân tại chỗ, khó đạt được mục tiêu đặt ra.
Giá nhà ở xã hội đang ở mức cao
Theo TS Vũ Đình Ánh, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội cao hay thấp không phải là vướng mắc khiến việc phát triển nhà ở xã hội ách tắc mà sự bất hợp lý vốn đã xuất phát từ trong chính chương trình phát triển nhà ở xã hội, cốt lõi và tiên quyết là việc xác định mục tiêu và đối tượng thật sự của chương trình này.
Vị chuyên gia nhìn nhận, người có nhu cầu thực và đáp ứng đúng điều kiện mua nhà ở xã hội như quy định hiện hành đang không đủ khả năng mua được nhà kể cả được vay với lãi suất 0%, chứ chưa nói đến mức 6 - 7%. Do thu nhập của họ chỉ đủ sống, thậm chí một bộ phận không đủ sống, không có tích lũy để mua nhà, theo đó không có khả năng trả tiền gốc, chưa kể đến tiền lãi.
"Với mức thu nhập thấp như hiện tại thì người mua chỉ có thể thuê nhà và Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ họ thuê nhà giá rẻ thay vì bán nhà giá rẻ" - TS Vũ Đình Ánh cho hay.
Cũng ghi nhận thực trạng trên, theo đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), mục tiêu về nhà ở xã hội là hướng tới người có thu nhập thấp và hướng tới nhà ở giá rẻ nhưng đến nay khó thực hiện khi giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập người lao động, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21 - 25 triệu/m2.
Trong khi đó, ghi nhận thực tế của DĐDN, tại Hà Nội, năm 2023, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn được mở bán lần đầu với giá gần 20 triệu/m2, mức cao nhất từ trước đến nay.
Cũng nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, dự án khu nhà ở xã hội tại lô đất HH-01 và tòa nhà số 4 thuộc lô đất HH-02 thuộc Khu chức năng đô thị Đại Mỗ (giai đoạn 1) tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm do Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Alaska đầu tư cũng đang ở mức giá 17 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT 5%, chưa gồm chi phí bảo trì 2%).
>>Thu hút doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội
Nên tập trung vào nhà ở xã hội cho thuê
Nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội là điều không thể bàn cãi, tuy nhiên, có thể thấy mức giá phù hợp và làm cách nào để người có thu nhập thấp, người có nhu cầu thực có thể tiếp cận được nhà ở xã hội vẫn là bài toán nan giải.
Theo TS Vũ Đình Ánh, chương trình nhà ở xã hội cần thay đổi theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về đất và vốn để xây dựng nhà ở xã hội với giá thành thấp nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng và hạ tầng xã hội phục vụ cuộc sống của người dân.
Đồng thời hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp để họ có thể thuê nhà ở xã hội với giá thuê phù hợp với thu nhập của họ thông qua việc giảm giá cho thuê hoặc hỗ trợ một phần tiền thuê nhà hoặc cả hai. Khoản hỗ trợ này của Nhà nước có tính chất không hoàn lại chứ không phải cho vay dù là vay ưu đãi hay siêu ưu đãi. Chỉ có như vậy mới khắc phục được những hạn chế bất cập thậm chí sai phạm và méo mó, bất bình đẳng bộc lộ trong chương trình nhà ở xã hội hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý bất động sản cũng cho rằng ngoài các sản phẩm nhà ở xã hội để bán và cho thuê mua thì vấn đề nhà ở xã hội để cho thuê cũng cần có chính sách thúc đẩy phát triển. Bởi nhà ở xã hội chủ yếu hướng đến nhóm đối tượng có thu nhập thấp (thường dưới ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân).
Ở khía cạnh của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, hiện nay lãi tiền gửi trung bình của người dân tại các ngân hàng thương mại hiện nay khoảng 4%/năm mà người thu nhập thấp phải vay mua nhà với lãi vay ưu đãi 7,5%/năm là bất hợp lý.
"Nếu là vay ưu đãi vì mục đích hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thì nên duy trì ở mức thấp hơn, hoặc bằng lãi huy động của các ngân hàng. Còn lãi vay ưu đãi tới 7,5%/năm là không thực chất", ông Thanh nhấn mạnh.
Vị này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng đa số người lao động có thu nhập trung bình thấp không chịu được lãi vay mua nhà ở xã hội ở mức 7,5%/năm như hiện nay.
Ông Thanh cho rằng mức lãi vay ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội từ gói ưu đãi 120.000 tỉ đồng nên duy trì ở mức khoảng 5%/năm là phù hợp. Mức lãi vay này cũng cần được duy trì ổn định trong thời gian dài để hỗ trợ người dân. Lãi vay ưu đãi với người mua nhà ở xã hội cần thể hiện rõ bản chất chính sách hỗ trợ người dân có thu nhập trung bình thấp tiếp cận nhà ở.
Có thể bạn quan tâm