Tăng trần giá vé máy bay, doanh nghiệp hàng không có "dễ thở"?
Từ ngày mai (1/3), Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sẽ chính thức có hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc mức trần giá vé máy bay nội địa tăng.
>>>Giá vé máy bay Tết vẫn “sốt xình xịch”
Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa sẽ điều chỉnh khung giá vận chuyển hành khách hạng phổ thông.
Đáng chú ý, các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.
Với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều).
Đối với đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều).
Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều). Đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).
Theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT, mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không. Mức giá này bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé,...
Đối với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT đã có Thông tư số 17/2019/TT- BGTVT về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT ngày 30/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Hiện tại các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa phù hợp với nhu cầu của hành khách và nằm trong khung giá quy định tại các Thông tư nêu trên.
So sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực thì mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Ví dụ như chặng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, mức giá/km cao nhất quy định chỉ khoảng 0.11USD/km. Trong khi chặng bay Bangkok đi Chiangmai mức giá/km cao nhất của Thai Airways là 0.22 USD/km (cao gấp 2 lần so với Việt Nam). Chặng bay Bắc Kinh - Thượng Hải của Air China là 0.27 USD/km, chặng bay Pusan- Jeju củaAsiana Airlines ở mức 0.32 USD/km,...
Giá vé máy bay đi lại cũng phụ thuộc vào quy luật cung/cầu. Nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao và dồn vào những ngày bay và khung giờ bay đẹp. Vào những ngày rất cao điểm, vào các khung giờ bay đẹp thường có nhu cầu cao và hết chỗ sớm hơn so các ngày cận cao điểm hoặc trên chuyến bay khung giờ sáng sớm chiều muộn hơn và giá vé đương nhiên cũng sẽ cao hơn.
Thực tế vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính chất đặc thù chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít khách hoặc thậm chí không có khách. Bởi vậy giá vé áp dụng vào thời điểm này cũng phần nào giúp các hãng hàng không lấy chi phí thu một chiều, bù đắp cho chặng bay cả hai chiều nhưng vẫn không cao hơn giá trần quy định.
>>Giá vé máy bay có đang quá cao?
Lãnh đạo Vietravel Airlines chia sẻ, căn cứ theo số liệu doanh thu hàng năm cho thấy, hoạt động khai thác trên các chặng bay nội địa với khung giá hiện tại chưa đảm bảo được chi phí vận hành cũng như hiệu suất lợi nhuận của hãng trong dài hạn. Chỉ số chi phí/ hành khách.km được ghi nhận đã vượt quá 150% với chỉ số doanh thu bay trên toàn bộ chặng bay nội địa.
Việc tăng giá trần đảm bảo quyền lợi của khách hàng luôn ở mức cao nhất cùng với trải nghiệm trên mỗi chuyến bay, về phía các hãng hàng không có thể cân đối được các khoảng chi phí trực tiếp và gián tiếp, đảm bảo được hoạt động khai thác trong dài hạn, bên cạnh đó các dải giá vé cũng được mở rộng.
Đồng quan điểm, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, thực tế khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hiện tại đã được áp dụng từ năm 2015, tức là cách đây 10 năm. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá đã thay đổi rất nhiều, không còn phù hợp với khung giá hiện tại.
“Đây là điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp chi phí bị điều chỉnh trong suốt gần 10 năm qua, đồng thời là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải gí của mình trên mảng đường bay nội địa”, ông Hà nhận định.
Khi được nới lên mức giá trần, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ tiếp tục đầu tư cho chất lượng dịch vụ ở phân khúc giá có khả năng chi trả cao. Đây cũng là cơ hội để các hãng kéo mức giá xuống thấp hơn để phục vụ nhu cầu của hành khách hoặc vào những giai đoạn thấp điểm của thị trường sẽ có nhiều chương trình khuyến mại hơn.
Bên cạnh đó, việc nới trần giá vé máy bay nội địa nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các hãng hàng không, hành khách và những chính sách chung của Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Giá vé máy bay Tết vẫn “sốt xình xịch”
02:05, 01/02/2024
Cục Hàng không lý giải việc giá vé máy bay tăng cao
07:00, 14/12/2023
Giá vé máy bay có đang quá cao?
03:00, 13/10/2023
Doanh nghiệp du lịch lo ngại khi giá vé máy bay tăng cao
01:00, 07/10/2023
Giá vé máy bay "hạ nhiệt" giữa cao điểm hè
01:00, 04/07/2023
Quốc hội "chốt" áp trần giá vé máy bay, sách giáo khoa
17:11, 19/06/2023
Đề xuất giữ giá trần, bỏ giá sàn với vé máy bay
17:18, 23/05/2023