Những ngân hàng nào tiên phong gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024?
Việc các ngân hàng tiếp tục thực hiện đăng ký và giải ngân gói tín dụng ưu đãi, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với nền kinh tế.
>>>Tăng trưởng tín dụng giảm, NHNN tăng gấp đôi gói vay 15.000 tỷ đồng
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nhìn lại hoạt động cung cấp vốn tín dụng đảm bảo cho nền kinh tế năm qua, bên cạnh điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân. Trong đó, NHNN đã đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố và một số vùng trên cả nước (Đông Nam Bộ, Tây Nguyên), các thành phố trọng điểm (Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên,…), các hội nghị tín dụng chuyên đề (lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hợp tác xã, nông sản xuất khẩu chủ lực…) nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...;
Việc NHNN tăng cường đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, xem đây là một trong những giải pháp và hành động cụ thể của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp song song gắn chương trình với việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi do các TCTD đăng ký tham gia chương trình (theo kế hoạch hằng năm), có thể nói đã phát huy hiệu quả và đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả trong hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống liên tục được cải thiện, đến ngày 31/12/2023, tín dụng tăng trưởng 13,71%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng phù hợp, lành mạnh hơn, dòng vốn được luân chuyển tới các khu vực sản xuất, kinh doanh, các động lực của nền kinh tế.
Trong các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, riêng về tín dụng, ông Tú cho biết cơ quan quản lý sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lí, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lí; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đáng chú ý, NHNN cũng tiếp tục chỉ đạo các TCTD triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực.
>>>Phân hóa chiến lược giảm lãi suất của các ngân hàng
Như vậy, các gói tín dụng ưu đãi gắn liền chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đang và sẽ tiếp tục là một trong những lực đẩy cho hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, tăng trưởng.
Về bản chất, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, gói tín dụng ưu đãi về vốn, lãi suất luôn gắn với cơ chế chính sách của NHNN về tiền tệ, tín dụng, do vậy gói tín dụng ưu đãi có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu và hiệu quả của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp; tiếp cận thuận lợi cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của NHNN.
Theo đó, việc tiếp tục thực hiện đăng ký và giải ngân gói tín dụng ưu đãi, thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đăng ký tham gia tích cực, đã phản ánh trách nhiệm và những điểm khác biệt tích cực, làm cơ sở cho việc thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024.
Năm 2024,ông Lệnh cho biết quy mô gói tín dụng ưu đãi của chương trình được 17 thương hiệu ngân hàng đăng ký, với tổng số tiền đạt: 509.684 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, gói tín dụng này năm 2023 là 453.070 tỷ đồng (với 20 thương hiệu ngân hàng đăng ký). Như vậy so với năm 2023, số lượng thương hiệu TCTD đăng ký giảm 3 thương hiệu, song quy mô gói tăng 12,49%.
Đểgói tín dụng phát huy hiệu quả và trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, lãi suất, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM cũng chia sẻ là tuân thủ tiêu chí đăng ký gói tín dụng ưu đãi tham gia chương trình, gồm: giảm lãi suất cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp giữ nguyên nhóm nợ; cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp; cho vay lãi suất thấp…. Trong đó, về lãi suất đảm bảo ý nghĩa hỗ trợ, với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng khoảng 4% và lãi suất cho vay trung dài hạn khoảng 9%/năm (lãi suất này sẽ điều chỉnh hợp lý theo diễn biến thị trường, song phải đam bảo nguyên tắc hỗ trợ).
Được biết, hiện các NHTM nhà nước (Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ) gồm: Vietcombank, BIDV và ViettinBank là những ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng có quy mô lớn nhất, chiếm 80% quy mô gói. "Điều này không chỉ phản ánh vai trò tiên phong trong thực hiện chính sách của NHNN của các TCTD này, mà việc tham gia tích cực của nhóm TCTD này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện tốt gói tín dụng (về lãi suất, vốn, giải ngân), đảm bảo tính ổn định và khả năng giải ngân cao ngay cả khi lãi suất biến động. Đây là yếu tố rất tích cực và được duy trì trong nhiều năm qua của chương trình, khẳng định vai trò, thương hiệu của chương trình và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ tín dụng của NHNN', theo ông Nguyễn Đức Lệnh.
Tuy nhiên, qua việc đăng ký gói tín dụng ưu đãi tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp năm 2024 trên địa bàn thành phố đã phản trách nhiệm thực thi chính sách của các TCTD khác trên địa bàn. Trong đó một số NHTM cổ phần như ACB, Sacombank, Nam A Bank, OCB, BVBank tham gia tích cực chương trình và trong nhiều năm liền, bên cạnh đó các định chế tài chính nước ngoài như Standard Chatered, Sinhanbank tham gia gói với quy mô không nhỏ, đã tạo sự khác biệt và trách nhiệm của các TCTD trên địa bàn trong thực thi chính sách và đồng hành cùng doanh nghiệp Thành phố, mang lại hiệu ứng tích cực cho một chương trình hành động hỗ trợ doanh nghiệp của ngành ngân hàng thành phố, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm.
Bên cạnh sự chung tay các bên liên quan nhằm tăng cường phát huy phối hợp, tuyên truyền để dòng tín dụng của các gói ưu đãi được khơi thông, đẩy mạnh ra nền kinh tế, đặc biệt, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP nhấn mạnh, "vẫn cần ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc vay và sử dụng vốn vay".
Mới đây, theo "phát động" của NHNN, chương trình cho vay lâm, thủy sản có tổng giá trị 15.000 tỷ đồng đã được giải ngân trong 2023, sẽ tăng gấp đôi quy mô lên 30.000 tỷ đồng. Tăng trưởng đột biến của xuất khẩu ngành gỗ đạt 1,49 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm 2023 ngay trong tháng 1/2024 tạo đà cho ngành gỗ tự tin nhắm đến mục tiêu kim ngạch 17,5 tỷ USD, hay tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ tháng 1/2023... đang củng cố cho những kỳ vọng phục hồi xuất khẩu mạnh mẽ. Đi cùng với đó, là kỳ vọng về tăng trưởng tín dụng theo các gói ưu đãi, "đo ni đóng giày" hướng đến hiệu quả giải ngân, trên cơ sở tăng hạn mức dư nợ cho những khách hàng có nhu cầu và điều kiện tiếp cận vốn thực tế.
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 1/2024: Khi cầu vay vẫn khó
05:00, 24/02/2024
Rà soát việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
17:28, 22/02/2024
Kích cầu tiêu dùng – Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
05:00, 22/02/2024
3 hành động để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp
13:38, 21/02/2024