Quản trị doanh nghiệp: Hành trình không có điểm kết thúc
Theo Chủ tịch Dragon Capital, trong quá tình nâng hạng TTCK, quản trị công ty là là một hành trình có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì chúng ta luôn phải học tập và thay đổi mỗi ngày.
>>Các tổ chức tài chính hiến kế gì để nâng hạng thị trường chứng khoán?
Năm 2024 đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong việc thực thi Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030, với mục tiêu trọng yếu là nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng sự phối hợp từ Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan, nỗ lực này nhằm đưa TTCK Việt Nam lên một tầm cao mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.
Trong bối cảnh năng động của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trên thị trường chứng khoán, được ghi nhận qua các tiêu chí đánh giá của tổ chức xếp hạng và định chế tài chính quốc tế uy tín. Để tiến thêm một bước nữa trong hành trình nâng hạng TTCK, Việt Nam cần tập trung giải quyết hai vấn đề cấp bách: yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch và giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Diễn đàn: “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả” - sự kiện đầu tiên trong chuỗi chương trình Quản trị công ty và nâng hạng thị trường, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhìn nhận, trong quá trình nâng hạng TTCK, quản trị công ty là một khâu vô cùng quan trọng. Các công ty có quản trị bền vững thì sẽ “ngủ ngon” hơn, vì vậy yếu tố quản trị là sự sống còn để đánh giá doanh nghiệp hơn là yếu tố tài chính, mô hình kinh doanh và tốc độ phát triển.
“Đây là một hành trình có bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc vì chúng ta luôn luôn phải học tập những điều mới, vươn lên và thay đổi mỗi ngày”, ông Dominic nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, trước mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi, ngoài những vướng mắc đang cần phải tháo gỡ như giao dịch ký quỹ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hay một số vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, thì điều quan trọng là cần phải nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp. Trong đó gồm nhiều yếu tố từ báo cáo tài chính, hoạt động doanh nghiệp, tính tuân thủ pháp luật và một vấn đề được đặc biệt quan tâm đó là tính công khai minh bạch, quản trị doanh nghiệp gắn với với môi trường xã hội (ESG).
Có thể nói, điểm đánh giá về quản trị công ty trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn, vì vậy chúng ta cần phải học hỏi thêm từ các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore,...
“Một vấn đề nữa rất cần được chú trọng là đào tạo thành viên hội đồng quản trị. Trước đây, chúng tôi chỉ khuyến nghị các thành viên đi học thêm các lớp đào tạo, nhưng sắp tới sẽ sửa đổi một số quy định mang tính bắt buộc hằng năm. Ngoài biện pháp hành chính, điểm mấu chốt là các thành viên hội đồng quản trị phải nhận thấy được tầm quan trọng của việc học hỏi, trau dồi kiến thức. Đó chính là nhận thức của những người quản lý trong doanh nghiệp, nhằm đảm bảo việc thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan đến quản trị.
Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ thành lập một tổ quản lý ngay tại cơ quan mình và Sở Giao dịch chứng khoán cũng nên áp dụng hoạt động này. Nếu quản trị tốt, chúng ta sẽ giảm thiểu được rủi ro trong quá trình vận hành.
Tôi cho rằng, mỗi công ty đại chúng, công ty niêm yết cần xây dựng chương trình cụ thể để đảm bảo doanh nghiệp có thể nâng điểm, giúp hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn, góp phần hỗ trợ việc nâng hạng TTCK thuận lợi và thành công”, ông Phạm Hồng Sơn khuyến nghị.
>>Nâng hạng thị trường chứng khoán đến năm 2025: Mục tiêu và giải pháp
Trong vai trò là đối tác chuyên môn của UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), Viện Quản trị Công ty Việt Nam (VIOD) đã triển khai Chương trình Quản trị Công ty và Nâng hạng Thị trường, bao gồm các diễn đàn, hội thảo và chương trình đào tạo, nhằm cập nhật và nâng cao nhận thức về quản trị công ty gắn liền với tiêu chuẩn ESG.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch VIOD nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng quản trị công ty theo thông lệ quốc tế và minh bạch thông tin, đặc biệt trong bối cảnh tiến tới mùa đại hội cổ đông 2024.
Sự kiện này được đánh giá là bước ngoặt trong hợp tác giữa VIOD và UBCKNN, đánh dấu sự khởi đầu của kỳ hợp tác thứ hai trong năm năm (2024-2029), hứa hẹn mang lại những thay đổi tích cực cho TTCK và các doanh nghiệp Việt Nam. Ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD cũng kêu gọi các doanh nghiệp, để đại hội đồng cổ đông có thể phát huy hết vai trò, HĐQT và doanh nghiệp cần vượt lên trên sự tuân thủ, không nên chỉ dừng lại ở việc tổ chức đúng số lượng đúng thời điểm, mà còn cần chuyển từ góc nhìn từ định lượng sang định tính, tập trung vào mong muốn của các cổ đông và nhà đầu tư.
Hy vọng các doanh nghiệp sẽ hiểu hơn về lợi ích của việc tổ chức một đại hội cổ đông đổi mới, hiệu quả gắn với những thay đổi thị trường và thông lệ quản trị công ty tốt từ quốc tế, từ đó, tiếp tục thực hành và nâng cao công tác quản trị công ty, góp phần nâng hạng thị trường nói chung.
Có thể bạn quan tâm
Các tổ chức tài chính hiến kế gì để nâng hạng thị trường chứng khoán?
03:20, 29/02/2024
4 nhiệm vụ phải làm năm 2024 để nâng hạng thị trường chứng khoán
04:18, 02/02/2024
Hệ thống KRX sẽ rút ngắn thời gian nâng hạng thị trường chứng khoán?
15:07, 14/01/2024
Nâng hạng thị trường chứng khoán đến năm 2025: Mục tiêu và giải pháp
12:00, 31/12/2023