TP HCM "đặt hàng" doanh nghiệp, xúc tiến hàng Việt Nam chất lượng cao
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chi ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao xúc tiến sâu, rộng hơn nữa ra thị trường quốc tế...
>>>Xây dựng thương hiệu "mở khóa" cho hàng Việt trên thị trường quốc tế
Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) cũng muốn "đặt hàng" các doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi cung ứng sạch, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, để cung cấp hàng hóa, lương thực an toàn, chất lượng cho người dân.
Đây là một trong những chia sẻ của ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công thương TP HCM tại Đại hội Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP HCM nhiệm kỳ III (2024 - 2028).
Phát biểu tại Đại hội, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, TP HCM mong muốn hỗ trợ xuyên suốt các hoạt động, phát động, thúc đẩy chương trình Người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam. Đối với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nếu có các chương trình tìm kiếm, mở rộng tiêu thụ sản phẩm, TP sẵn sàng chi ngân sách hỗ trợ thâm nhập thị trường.
Ông Vũ cũng bày tỏ mong muốn với các doanh nghiệp hàng Việt Nam quy mô lớn, có uy tín kinh nghiệm sẽ chung tay đóng góp, chia sẻ để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng Việt Nam khác, đồng thời Hội sẽ thu hút thêm được các hội viên mới, đông lên và tương đương với số lượng sản phẩm, hàng Việt Nam chất lượng cao.
Đặc biệt, TP HCM cũng mong muốn đặt hàng cho các doanh nghiệp hàng Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng gạo sạch cho người dân, để sàng lọc, bảo chứng, công bố sản phẩm cho người dân. "Trong giai đoạn Covid-19 và khó khăn vừa qua, chỗ đứng, vị thế của doanh nghiệp hàng nội địa cho thấy rất quan trọng, rất mong các doanh nghiệp tiếp tục phát huy vị thế, tính tự chủ và cơ hội này", Giám đốc Sở Công thương TP HCM nhấn mạnh.
Tại Đại hội, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tiến hành bầu ra Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ III (2024 - 2028) gồm 15 thành viên. Bà Vũ Kim Hạnh tiếp tục được tín nhiệm tái đắc cử chức Chủ tịch Hội.
Ban chấp hành Hội nhiệm kỳ mới cũng đưa ra phương hướng hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiếp tục lan tỏa hiệu ứng về kinh tế xanh. Cụ thể, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ thực hiện đa dạng chiến lược dài hạn ở lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao; phối hợp cùng đơn vị trong và ngoài nước đẩy mạnh chuỗi hoạt động nâng cao năng lực cho nông dân, doanh nghiệp, người khởi nghiệp... về tiêu chuẩn thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao xây dựng chuỗi cửa hàng đặc sản bản địa cả nước như Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… Tại chuỗi cửa hàng này chủ yếu giới thiệu và kinh doanh sản phẩm cao cấp đạt tiêu chuẩn cao, chỉ dẫn địa lý, công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, hữu cơ, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 đến 5 sao… có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam.
Chia sẻ tại Đại hội, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội cho biết Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng tiếp tục xây dựng mạng lưới phối hợp với các tỉnh, thành đồng bằng Mekong tạo được nhiều mô hình, chương trình hiệu quả như là Diễn đàn Mekong Connect bàn về các vấn đề xoay quanh chính sách nhà nước, phát triển tài nguyên bản địa của địa phương. Song song đó, Hội sẽ phát huy vai trò đầu mối hỗ trợ đổi mới công nghệ, thương mại hóa sản phẩm...
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngoài nhiệm vụ khảo sát nghiên cứu thị trường, điều tra ý kiến người tiêu dùng để bình chọn Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao được thực hiện xuyên suốt 28 năm qua, Hội đã và đang tiếp tục thực hiện tốt nhiều hoạt động dựa trên năng lực cốt lõi là kết nối – xúc tiến thương mại và truyền thông.
Cùng đó, việc bảo vệ uy tín và logo hàng Việt Nam chất lượng cao cũng được quan tâm như Hội hợp tác với Văn phòng luật sư để xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ trong sử dụng trái phép chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao trên thị trường, hay không tuân thủ quy chế sử dụng logo hàng Việt Nam chất lượng cao…
Với uy tín của Hội, một số doanh nghiệp đã đề xuất, kiến nghị mở rộng tiêu chuẩn để kết nạp Hội viên, tuy nhiên theo bà Vũ Kim Hạnh, các tiêu chuẩn khác khó thay thế được 2 tiêu chuẩn cụ thể là phải có hàng Việt Nam đạt xét chứng nhận chất lượng cao và Chuẩn hội nhập. Song với các kiến nghị, Ban chấp hành Hội sẽ ghi nhận để xem xét lấy ý kiến thêm.
Được biết, hướng đến tiêu chuẩn hội nhập, dự án hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập đã hình thành hệ sinh thái 224 doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm. Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng ký hợp đồng với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập để hỗ trợ phân phối, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP HCM hiện có 268 hội viên (tại nhiệm kỳ 2019-2023). Hội là đơn vị tổ chức điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao hàng năm. Theo ghi nhận, nỗi năm trung bình có hơn 500 doanh nghiệp Việt Nam đạt chứng nhận.
Có thể bạn quan tâm