Tháo gỡ rào cản pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Cần xem xét, đánh giá một số quy định hiện hành nhằm tháo gỡ những rào cản, khó khăn về mặt pháp lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
>>“Rộng cửa” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Đây là một trong các kiến nghị tại báo cáo Quý I/2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về việc phục hồi và ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế.
Theo PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng Bộ môn Kiểm toán, Viện Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phục hồi và ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế thị trường trái phiếu Việt Nam hình thành từ những năm 1990 và bắt đầu phát triển từ năm 2000.
Giai đoạn từ 2011 đến nay thị trường phát triển mạnh, đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách và doanh nghiệp.
Khung khổ pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã dần được hoàn thiện từ cấp Luật, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 tới nay, thị trường TPDN đối mặt nhiều khó khăn với sự sụt giảm mạnh về dư nợ và khối lượng được phát hành mới.
“Thực trạng này xuất phát bởi nhiều nguyên nhân, như sự giảm sút niềm tin của thị trường và nhà đầu tư khi một số doanh nghiệp phát hành TPDN huy động vốn sai mục đích, và có biểu hiện vi phạm pháp luật”, PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
Để phục hồi và phát triển thị trường TPDN, tạo động lực cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất một số kiến nghị.
Thứ nhất, triển khai đồng bộ cơ chế chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong năm 2023, cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng, chính sách tài khóa thông qua giảm thuế, phí đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do đó, để đạt được các mục tiêu duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, cần tập trung vào một số vấn đề vấn đề sau.
Thực hiện quyết liệt Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, và các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia và tiến hành giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó chú trọng các động lực tăng trưởng ổn định thị trường TPDN.
Phối hợp hiệu quả giữa các chính sách, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác.
Bộ Tài chính cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo sự nhất quán, ổn định của chính sách đề ra.
Thứ hai, xem xét, đánh giá một số quy định hiện hành nhằm tháo gỡ những rào cản, khó khăn về mặt pháp lý đối với thị trường TPDN. Khung khổ pháp lý mới của thị trường TPDN về cơ bản đã hoàn chỉnh, tăng cường tính công khai, minh bạch trên thị trường TPDN, giảm thiểu các rủi ro của thị trường.
Tuy nhiên, việc áp dụng và thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc, vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để các chính sách được thực thi đúng đối tượng và vấn đề đặt ra.
Cụ thể, xem xét, đánh giá, hoàn thiện một số quy định mới áp dụng với nhà đầu tư tổ chức trên thị trường TPDN. Một số quy định hiện nay của NHNN (Thông tư số 02 và 03/2023/TT-NHNN) để hạn chế các tổ chức tín dụng đầu tư vào TPDN nhằm quản trị rủi ro hệ thống.
“Nhưng quy định này đã hạn chế phần nào khả năng tiếp cận đầu tư vào TPDN của nhóm doanh nghiệp có nhiều tiềm năng kinh tế trên thị trường. Do đó, cần đánh giá, xem xét và sửa đổi các nghị định để cải thiện thị trường trái phiếu, đặc biệt liên quan tới thời gian hoãn thực hiện các yêu cầu về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân khi thực hiện mua TPDN riêng lẻ trên thị trường”, PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa kiến nghị.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản (BĐS), bao gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép hoạt động kinh doanh BĐS, cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh BĐS cần đảm bảo doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án.
>>Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp
>>Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ từng bước đi vào chiều sâu
Thứ ba, tăng cường trách nhiệm các bên liên quan nhằm minh bạch hóa thị trường TPDN. Về phía doanh nghiệp phát hành và cung ứng TPDN, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Quy định doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ cần công bố thông tin theo chuẩn mực và thích hợp với đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư một cách kịp thời, trong suốt thời hạn của trái phiếu. Yêu cầu này đã giải quyết tình trạng thông tin thiếu rõ ràng trên thị trường phát hành TPDN riêng lẻ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phát hành trái phiếu và các cơ quan liên quan vẫn cần tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư, đặc biệt là đối với trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn.
“Doanh nghiệp phát hành cần thực hiện nghiêm chỉnh việc công bố thông tin tài chính, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản, và tình hình kinh doanh”, PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Thực hiện đa dạng các loại hình TPDN phù hợp với nhu cầu huy động vốn. Đối với nhóm doanh nghiệp phát hành là các doanh nghiệp BĐS, cần xây dựng phương án tái cơ cấu, tái cấu trúc các sản phẩm BĐS nhằm đáp ứng các nhu cầu thực của thị trường và nền kinh tế.
Về phía Nhà nước, theo PGS,TS. Nguyễn Thị Phương Hoa để tiếp tục tạo sự minh bạch của thị trường TPDN, cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường, cần thực hiện một số giải pháp sau.
Tăng cường công tác quản lý giám sát thị trường TPDN để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.
Nâng cao hiệu quả giám sát liên thông, kịp thời nhận diện, cảnh báo rủi ro và đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, bền vững.
Kiểm soát chặt, kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phát hiện các trường hợp thao túng, gian lận chuyển cơ quan điều tra, công khai thông tin về các vụ việc vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cấp tín dụng đối với phân khúc BĐS cao cấp, hiện nguồn cung dư thừa quá nhiều. Đây là nhóm BĐS không có nhu cầu thực mà mang tính chất đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường.
Bộ Tài chính cần chỉ đạo, yêu cầu Cục Giám sát kế toán, kiểm toán, Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp kiểm toán, nhằm đảm bảo các thông tin về kiểm toán doanh nghiệp được thực hiện đúng, đảm bảo tính minh bạch và chính xác của các thông tin sau kiểm toán.
Thứ tư, hoàn thiện công tác vận hành hệ thống giao dịch thị trường TPDN nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý. Hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, chính thức vận hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 19/7/2023 đã thúc đẩy tính thanh khoản, góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch TPDN riêng lẻ.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn luôn hiện hữu, trong trường hợp xảy ra các vấn đề tranh chấp dân sự, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ vẫn thuộc về doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư theo pháp luật dân sự.
Do đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện công tác vận hành hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp công khai và minh bạch, tạo cơ sở cho sự phục hồi của thị trường TPDN.
Hoàn thiện thị trường niêm yết, giao dịch TPDN tại Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK), đồng thời, rà soát, sửa đổi các quy định về chào bán TPDN ra công chúng để khuyến khích các doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng, thực hiện niêm yết, giao dịch công khai và minh bạch thông tin tài chính liên quan.
Hoàn thiện tổ chức thị trường giao dịch TPDN cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Sở GDCK, triển khai gắn với nâng cấp chuyên trang thông tin về TPDN riêng lẻ, qua đó tăng thanh khoản của trái phiếu và hỗ trợ thị trường sơ cấp TPDN.
Thứ năm, xây dựng, triển khai các chính sách và phương án hỗ trợ doanh nghiệp phát hành TPDN. Hiện nay, bên cạnh hai nguồn vốn chủ yếu là vốn tín dụng ngân hàng và vốn cổ phiếu, nguồn vốn trái phiếu được coi là kênh dẫn vốn trung và dài hạn với lãi suất khá ổn định và cạnh tranh so với hai nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng và cổ phiếu.
Mặc dù có thể thấy tầm quan trọng của thị trường TPDN đối với sự phát triển chung của nền kinh tế, thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh từ cuối 2021 tới nay.
Như vậy, cần có một số biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có triển vọng hoạt động tốt, có phương án kinh doanh khả thi trong hoạt động kinh doanh nói chung, và phát hành TPDN nói riêng từ đó góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
NHNN cần triển khai, chỉ đạo quyết liệt các biện pháp nhằm đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM).
NHNN cần chỉ đạo các NHTM rà soát hoạt động nhằm giảm chi phí từ đó hỗ trợ công tác giảm lãi suất cho vay, khi lãi suất huy động đã giảm mạnh về mức thấp nhất kể từ đại dịch Covid-19.
Thực hiện gia hạn đối với các trái phiếu BĐS của các dự án khả thi, trên cơ sở đánh giá lại và cân đối tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện tại, và tính khả thi và hiệu quả của dự án phát hành.
Cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn nếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, và thẩm định các dự án có tính khả thi được tiếp cận các khoản vay để tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn.
Tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ, các sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người dân với giá cả thực có hiệu quả cao. Kiểm soát chặt chẽ và quyết liệt hạn chế cấp vốn tín dụng cho các dự án nhà thuộc phân khúc BĐS cao cấp.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp
14:48, 27/02/2024
“Điểm sáng” trái phiếu doanh nghiệp
14:46, 27/02/2024
“Rộng cửa” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
11:30, 14/02/2024
Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp
05:20, 12/02/2024