Áp thuế giới siêu giàu toàn cầu có khả thi?
Các quan chức tài chính từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã bắt đầu thảo luận về việc đưa ra mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú.
>> Áp thuế tối thiểu toàn cầu: Nâng cấp chiến lược thu hút FDI
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng thuộc G20 đã thảo luận về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh ở São Paulo, Brazil, ba năm sau khi đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho thấy thế giới có thể cùng nhau hành động trong việc thiết lập mức thuế tối thiểu 15% cho các công ty đa quốc gia.
Theo Cơ quan giám sát thuế EU, những người siêu giàu ở các nước lớn đóng thuế ít hơn nhiều so với người bình thường. Và tài sản của họ hầu như không bị đánh thuế, với mức thuế suất thực tế chỉ là 0% - 0,5%.
Các hành vi từ trốn thuế bất hợp pháp đến khai thác lỗ hổng trong hệ thống thuế hay đơn giản là chuyển sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn đều đang tước đi nguồn thu nhập vô cùng cần thiết của các chính phủ trong bối cảnh nợ công tăng cao.
Ông Gabriel Zucman, Giám đốc nhóm nghiên cứu do EU hậu thuẫn, nói với các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh: “Thuế lũy tiến là trụ cột chính của các xã hội dân chủ”. Ông nói thêm rằng các chế độ thuế hiện nay trên thế giới đã không đánh thuế đúng cách những cá nhân có khả năng nộp thuế cao nhất.
Hiện nay, gần 80% tỷ phú thế giới sống ở các nước G20. Một báo cáo vào tháng trước của Oxfam cho biết, tại các quốc gia bao gồm Brazil, Pháp, Italia, Anh và Mỹ, người siêu giàu phải trả mức thuế thực tế thấp hơn so với người lao động trung bình. Vào năm 2022, 1% người có thu nhập cao nhất ở các nước G20 đã bỏ túi thu nhập 18 nghìn tỷ USD.
Cơ quan Giám sát thuế EU đã đề xuất một số ý tưởng ban đầu như ấn định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 2% đối với tài sản ròng của các tỷ phú. Cơ quan này ước tính, điều này có thể tạo ra 250 tỷ USD mỗi năm. Theo một báo cáo được công bố vào tháng 11/2022, số tiền đó tương đương với một nửa số vốn bổ sung mà các nước châu Phi cần mỗi năm để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch. Các tỷ phú đã trả 2% sẽ không bị đánh thuế thêm theo đề xuất.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc đạt được thỏa thuận giữa G20, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia và Argentina cùng các nước khác, sẽ rất khó khăn và có thể mất một thời gian rất dài.
“Đây chỉ là điểm khởi đầu của con đường", ông Quentin Parrinello, Cố vấn chính sách cấp cao tại Cơ quan quan sát thuế EU, nói với CNN. Ông cũng lưu ý rằng các cuộc đàm phán về mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn lớn cũng mất nhiều năm để đạt được sự đồng thuận.
>> “Giữ chân” nhà đầu tư trước áp lực thuế tối thiểu toàn cầu
Vào năm 2021, các nhà đàm phán từ gần 140 quốc gia đã đồng thuận đặt ra mức thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ trên toàn cầu. "Chắc chắn là không phải tất cả các quốc gia đều phê chuẩn thỏa thuận toàn cầu đó. Chẳng hạn, các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ vẫn chưa thông qua thỏa thuận và chính quyền cuả Tổng thống Joe Biden chưa có cơ hội để giành được sự chấp thuận của Thượng viện", chuyên gia này phân tích.
Ông Parrinello cho biết, những người siêu giàu có thể tìm cách để tránh phải trả những khoản thuế khổng lồ, chẳng hạn như góp số tiền đó vào các công ty cổ phần, quỹ tín thác hoặc sử dụng nó làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.
Trong Báo cáo trốn thuế toàn cầu năm 2024, nhà kinh tế học và người đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nói rằng, ngoài nhu cầu đầu tư của chính phủ vào dịch vụ và cơ sở hạ tầng, sự chênh lệch rõ ràng về thuế cũng làm suy yếu nền dân chủ bằng cách làm xói mòn niềm tin vào các thể chế.
Chuyên gia này cũng cho rằng việc chỉ đánh thuế các tỷ phú sẽ không chấm dứt tình trạng lạm dụng thuế toàn cầu hoặc giải quyết tình trạng bất bình đẳng; cần phải đánh thuế đầy đủ các tập đoàn tạo ra thu nhập cao không tương xứng cho những người siêu giàu.
Các nhà nghiên cứu cho biết vào năm 2022, các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục ghi nhận khoảng 35% lợi nhuận nước ngoài tại các thiên đường thuế, với tổng trị giá ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD trên toàn cầu. Các cuộc điều tra của ICIJ như Hồ sơ Paradise và Luxembourg Leaks đã nêu bật quy mô trốn thuế doanh nghiệp đáng kinh ngạc của một số công ty lớn nhất thế giới.
Vào năm 2017, Hồ sơ Paradise đã tiết lộ các hoạt động trốn thuế của hơn 100 tập đoàn, bao gồm Nike, Uber và Apple, những tập đoàn sau đã chuyển lợi nhuận trên toàn thế giới để tích lũy 252 tỷ USD ra nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm