Phú Yên: Thực hiện 6 giải pháp để hiện thực hóa quy hoạch tổng thể tỉnh
Tập trung xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, nhưng linh hoạt, phù hợp với thực tế.
>>Phú Yên: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung bộ
Đó là nội dung được ông Tạ Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, báo cáo tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024, ngày 3/3/2024. Sự kiện được diễn ra dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và nhiều đại biểu từ trung ương cũng như các địa phương tham dự.
Hiện thực hóa quy hoạch
Cụ thể, theo ông Tạ Anh Tuấn, để quy hoạch trở thành động lực phát triển, Phú yên đã thực hiện 6 giải pháp để hiện thực hóa quy hoạch, gồm:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch; tập trung xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, nhưng linh hoạt, phù hợp với thực tế.
Hai là, quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và nâng dần vị trí xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS của tỉnh lên thuộc nhóm tốt của cả nước.
Ba là, đổi mới toàn diện công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư lớn, chiến lược trong và ngoài nước để giới thiệu quảng bá môi trường đầu tư, tiềm năng, lợi thế của tỉnh theo danh mục dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư để họ tiếp cận, nghiên cứu đầu tư.
Bốn là, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm nhằm mở ra không gian phát triển.
Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào những ngành quan trọng như du lịch, công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển.
Sáu là, xác định Khu kinh tế Nam Phú Yên sẽ là động lực với cảng Bãi Gốc là trái tim để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần to lớn đưa Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.
Vì vậy tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp gắn với việc phát huy lợi thế cảng biển, đó là công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, năng lượng với công nghệ hiện đại và đảm bảo môi trường.
>>Phú Yên: Cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư
Phải tìm lối đi riêng
Đáng chú ý, nhấn mạnh tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho rằng quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển, tạo thêm xung lực để Phú Yên phát triển mạnh mẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Song, để đạt được những mục tiêu tham vọng trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cho rằng Phú Yên cần rút ra các bài học phát triển của các địa phương trong vùng, tiếp tục đổi mới sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để trở thành địa chỉ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm.
Đặc biệt, ngay sau hội nghị này, Phú Yên phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch.
“Rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tỉnh; Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo quyết định 1746/QĐ-TTg ngày 30-12-2023 của Thủ tướng, quy hoạch tỉnh Phú Yên phát triển dựa trên đặc trưng khác biệt về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá, ưu tiên; đánh giá phân tích những đặc trưng khác biệt, tìm ra những lợi thế tự nhiên và văn hóa của tỉnh so với các tỉnh khác trong vùng Duyên hải Trung Bộ.
Xác định sản phẩm, đặc trưng khác biệt, có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh về kinh tế biển, công nghiệp (nhất là công nghiệp luyện kim, công nghiệp lọc, hóa dầu, năng lượng,...), du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi, vùng phía đông và phía tây; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa vùng động lực và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đặc biệt, theo quy hoạch, Phú Yên phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa trên lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng,...); du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung bộ
12:45, 12/02/2024
Phú Yên: Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trước, trong và sau Tết
00:06, 07/02/2024
Phú Yên: Cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư
02:03, 20/01/2024
Phú Yên: “Lúng túng” trong việc xác định “chủ thể” quản lý lĩnh vực khoáng sản?
14:43, 31/12/2023
Bộ Xây dựng kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản tại Vũng Tàu, Phú Thọ, Phú Yên
01:00, 20/12/2023