Giới địa ốc nói gì về quy định chỉ được mua bán tối đa 5 căn nhà/năm?
Đề xuất này đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ nhà đầu tư, môi giới và chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản.
>>Mỗi cá nhân chỉ được bán 3 - 5 căn nhà/năm?
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, tại Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Bộ Xây dựng đã đề xuất ba phương án để làm rõ điều kiện về kinh doanh bất động sản "quy mô nhỏ”.
Trong đó, phương án 1, Bộ Xây dựng đề xuất điều kiện đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ bao gồm: cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua nhà ở có sẵn, nhà ở hình thành trong tương lai từ 3 - 5 nhà ở hoặc 3 - 5 căn hộ chung cư, trong 1 năm (12 tháng).
Cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua công trình xây dựng có sẵn, công trình xây dựng hình thành trong tương lai từ 5 - 10 công trình xây dựng hoặc 5 - 10 phần diện tích sàn trong công trình xây dựng, trong 1 năm (12 tháng).
Trao đổi về quy định này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng quy định giới hạn số lượng giao dịch bất động sản là đúng và cần thiết. Điều này sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản như nhiều trường hợp đã từng diễn ra.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, trong giai đoạn này nên hạn chế đưa ra các quy định mới làm hạn chế việc mua bán bất động sản. Bởi hiện nay, thị trường còn đang khó khăn cần nhiều chính sách để hồi phục, do đó, cần phải có những tác động để đẩy mạnh số lượng giao dịch bất động sản, tạo thanh khoản thì thị trường mới sớm ổn định.
Ông Nguyễn Thế Điệp cũng cho biết, giai đoạn hiện nay thị trường bất động sản đang "mở cửa" hơn để thu hút nguồn lực từ kiều hối. Vì vậy, việc quy định "siết" số lượng mua bất động sản sẽ làm ảnh hưởng tới nguồn lực này.
>>Tín hiệu vui cho thị trường bất động sản
Trong khi đó, theo TS. Trần Xuân Lượng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân việc khống chế số lượng căn là không phù hợp. Bởi lẽ, kinh doanh đầu tư tạo lập khác với kinh doanh dịch vụ. Mặt hàng bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt nên các nước trên thế giới hạn chế việc cá nhân đầu tư tạo lập.
Ở Việt Nam đang cho phép cá nhân đầu tư tạo lập. Tuy nhiên, để siết lại chúng ta không lượng hóa số lượng được bán, cho thuê bao nhiêu căn, bao nhiêu m2 bởi nó không đúng với chuẩn mực quốc tế.
Phân tích rõ hơn, ông Lượng cho rằng nên "trói" bằng giá trị giao dịch chứ không nên "trói" cứng bằng số lượng căn hộ. Bởi có những người bán 10 căn chung cư diện tích nhỏ nhưng giá trị không bằng một người bán căn biệt thự, villa giá trị cả triệu USD. Đồng thời, chúng ta có thể hạn chế bằng cách áp thuế đối với cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ cao hơn một chút so với doanh nghiệp.
Trước đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng "vi hiến", tại sao giới hạn cái mua bán tài sản, bất động sản chỉ là hàng hoá đặc biệt.
Hiện Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo tờ trình và dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đến trước ngày 27/4/2024.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi cá nhân chỉ được bán 3 - 5 căn nhà/năm?
03:00, 04/03/2024
Sửa Luật Thủ đô: Cân nhắc quy định về thu hút nhà đầu tư… chiến lược
04:30, 02/03/2024
Tín hiệu vui cho thị trường bất động sản
12:41, 04/03/2024
Yếu tố nào hỗ trợ phục hồi bất động sản nhà ở?
04:30, 04/03/2024
“Thế chân kiềng” kích hoạt thị trường bất động sản
19:00, 02/03/2024