Tăng tiếp cận vốn tín dụng Nhà nước qua VDB
Hiện nay có khoảng 104 dự án tiếp cận Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện quy trình vay vốn lên tới 67.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu giải ngân cho năm 2024 là 18.000 tỷ đồng.
>>Giảm lãi suất, tăng tiếp cận vốn nhưng cầu tín dụng cần thời gian phục hồi
Mở cửa tín dụng Nhà nước
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước với nhiều nội dung quan trọng được điều chỉnh, sửa đổi tháo gỡ những nút thắt và vướng mắc cơ bản nhất tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đơn vị thực thi chính sách là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trong giai đoạn cơ cấu lại, đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước của các khách hàng có dự án đầu tư thuộc danh mục theo quy định.
Theo đó, các nội dung cơ bản được thể hiện ở một số nét chính như: Thứ nhất, về danh mục và đối tượng vay vốn, tập trung cho vay các dự án đầu tư quy mô lớn, thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghiệp, nông nghiệp, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn có tác động lớn đến nền kinh tế.
Trong đó đặc biệt đã bổ sung các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có nhu cầu vốn lớn vào danh mục đối tượng vay vốn. Đối với nhóm lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đã bổ sung thêm dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung thêm dự án khí tự nhiên hóa lỏng.
Thứ hai, về điều kiện vay vốn, khách hàng có dự án thuộc danh mục theo quy định cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định; Có dự án đầu tư xin vay vốn được VDB thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; Có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm VDB xem xét, quyết định cho vay; Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động); Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định; Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm VDB xem xét, quyết định cho vay.
Thứ ba, về mức vốn cho vay và giới hạn tín dụng, mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động). Dư nợ cấp cho một khách hàng không vượt quá 15% và cấp cho một nhóm khách hàng không được vượt quá 25% số vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 5 năm trở lên của VDB.
Với số vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh như hiện nay, VDB có thể cho vay đối với một khách hàng tối đa khoảng 12.000 tỷ đồng và đối với nhóm khách hàng tối đa khoảng 20.000 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn neu trên trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính và đề nghị của VDB.
Thứ tư, về thời hạn vay vốn và đồng tiền cho vay, VDB cho vay bằng đồng Việt Nam và quyết định thời hạn vay vốn đối với mỗi dự án căn cứ vào kết quả thẩm định dự án, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng. Quy định này theo thông lệ như các NHTM, phù hợp với thời gian hoàn vốn của dự án, không giới hạn thời gian vay vốn tối đa như quy định trước đây.
Thứ năm, về lãi suất cho vay, VDB quyết định lãi suất cho vay theo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí và không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các NHTM trong nước trong cùng thời kỳ. Lãi suất cho vay được VDB công bố 1 năm/lần trừ trường hợp có biến động mạnh. (Lãi suất cho vay năm 2024 hiện nay là 7,72%/năm). Lãi suất cho vay được áp dụng cho toàn bộ dư nợ trong hạn và các khoản giải ngân mới của các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư ký kết kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2023. Lãi suất quá hạn do VDB xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với toàn bộ số dư nợ gốc bị chuyển quá hạn của từng khoản nợ vay
VDB quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đồng thời, căn cứ tình hình tài chính của VDB và khả năng trả nợ của khách hàng sẽ xem xét, quyết định việc miễn, giảm lãi tiền vay của khách hàng quy định này cũng đã phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng và của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cấp tín dụng, tạo điều kiện cho VDB kịp thời hỗ trợ cho các dự án/ khách hàng vay vốn khi gặp khó khăn tạm thời có thể phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, không phát sinh nợ xấu.
Thứsáu, về điều khoản chuyển tiếp cũng đã được quy định cụ thể đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư đã ký kết trước ngày Nghị định số 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đó là VDB dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả kể từ thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành và xóa số nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả đã phát sinh chưa thu đến thời điểm dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả.
>>Tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, ông Đào Quang Trường, Tổng Giám đốc VDB cho biết, để chủ động và tích cực triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư theo quy định mới của Chính Phủ, trong thời gian qua, VDB đã chỉ đạo các chi nhánh rà soát, tìm kiếm các dự án của các đối tượng có nhu cầu vay vốn.
Hiện nay, có khoảng 104 dự án tiếp cận tại các chi nhánh và sở giao dịch để thực hiện quy trình vay vốn, với nhu cầu vốn vay là 67.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu giải ngân cho năm 2024 là 18.000 tỷ đồng.
VDB sẽ ưu tiên tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng như các dự án về năng lượng tái tạo, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện khí, các dự án về hạ tầng giao thông như dự án BOT, các dự án cảng biển, các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, các dự án an sinh xã hội như bệnh viện, trường học và nước sạch,...
“Để tạo điều kiện cho khách hàng chủ đầu tư tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư của nhà nước tại VDB, chúng tôi sẽ ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn nội bộ và công khai, minh bạch quy trình cho vay, giúp các chủ đầu tư có đầy đủ thông tin tiếp cận về việc triển khai vay nguồn vốn tín dụng này.
Đồng thời sẽ tiết giảm chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vay vốn, nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa công nghệ thông tin, tối ưu hóa và rút ngắn thời gian thẩm định cho vay các dự án, thời gian hoàn thiện hồ sơ thủ tục vay vốn của khách hàng đảm bảo hiệu quả”, ông Đào Quang Trường khẳng định.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ (Hansiba) chia sẻ, thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi sản xuất, thanh khoản tài chính nguồn vốn - hoàn vốn với ngân hàng và chi phí cho sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Các ngân hàng thương mại hầu hết hạn chế cho vay với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
“Việc Chính phủ ban hành Nghị định 78 về tín dụng Nhà nước cho Ngân hàng phát triển Việt Nam là sự kiện rất vui mừng, không chỉ đối với VDB mà đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng rằng, VDB sẽ là công cụ, là “quả đấm thép” của Nhà nước để trở thành “bà đỡ” về tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng để phát triển trong thời gian tới đây” Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ngành công nghiệp hỗ trợ bày tỏ.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2006 theo Quyết định số 108/2006/QĐ-TTg ngày 19/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Hỗ trợ phát triển trước đây, là Ngân hàng chính sách hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhà nước là chủ sở hữu, Chính phủ thống nhất quản lý thực hiện quyền, nhiệm vụ chủ sở hữu với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. |
Có thể bạn quan tâm
Giảm lãi suất, tăng tiếp cận vốn nhưng cầu tín dụng cần thời gian phục hồi
09:03, 20/12/2023
Doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn tín dụng bằng… công nghệ
01:30, 03/11/2023
Tháo gỡ rào cản tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa
15:00, 24/10/2023