Động lực mới cho tăng trưởng
Cần các động lực mới tạo đột phá tăng trưởng cho nền kinh tế như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê cho biết khi trao đổi với DĐDN.
>>Triển vọng tăng trưởng GDP
Với mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% - 6,5% trong năm 2024.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định, bất ổn địa chính trị, thời tiết cực đoan gây hệ luỵ nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng suy giảm.
-Thưa ông, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn, Việt Nam cần làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024?
Dự báo năm 2024 tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta suy giảm so với năm 2023. Để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5% như mục tiêu đề ra, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm.
Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tăng rất cao trong năm 2023. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp.
Trong khi đó, tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu, khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao. Tăng trưởng từ đầu tư công chỉ bù đắp được một phần cho các khu vực khác của nền kinh tế.
Chúng ta đã có bài học của năm 2023, 1 trong 4 động lực tăng trưởng là xuất khẩu của chúng ta đã sụt giảm rất mạnh theo thế giới. Năm 2024, dự báo kim ngạch xuất khẩu của thế giới còn suy giảm hơn năm 2023. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng phải thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các động lực hiện có của nền kinh tế, trong đó đặc biệt kể đến động lực từ đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ hai là động lực xuất khẩu.
Cụ thể, Chính phủ cần các giải pháp chính sách hữu hiệu để thúc đẩy kinh tế trong nước, đặc biệt là xuất nhập khẩu phải tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách. Cuối năm 2023, Chính phủ có chính sách giải pháp tốt như xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc, cần tiếp tục các giải pháp như vậy để tìm kiếm thị trường cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, để cho các động lực tăng trưởng hiện có tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thì động lực về cải cách hành chính là rất quan trọng. Đồng thời chúng ta cần có các động lực tăng trưởng mới.
>>Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu
- Động lực tăng trưởng mới ông nhắc tới cụ thể là gì?
Các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế mà chúng ta nên tập trung là kinh tế số, chuyển đổi số, thứ hai là kinh tế tuần hoàn và thứ ba là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt trong đó, chúng ta có lợi thế phát triển công nghiệp bán dẫn. Chúng ta có lợi thế về đất hiếm, lợi thế về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và lợi thế chúng ta đã nâng cấp được quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật Bản vàc trong tuyên bố chung với hai nước này, họ đều cam kết hỗ trợ chúng ta trong phát triển công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Đó là những động lực mới cho chúng ta tăng trưởng không chỉ cho năm nay mà còn trong thời gian tới.
Chúng ta cần ưu tiên thu hút FDI, đặc biệt là vào các lĩnh vực mới. Hiện rất nhiều tập đoàn công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều quan tâm đến thị trường Việt Nam.
- Chính phủ cần phát huy vai trò “bà đỡ” nuôi dưỡng các động lực mới này như thế nào để tạo đột phá tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
Ở bất kỳ quốc gia nào dù Hoa Kỳ hay Trung Quốc thì với các lĩnh vực mới Chính phủ đều cần đóng vai trò “bà đỡ” nuôi dưỡng. Thời gian đầu là “bà đỡ” về tài chính, thể chế và nguồn nhân lực. Để các lĩnh vực mới đó đủ căn cứ hình thành và phát triển.
Chúng ta luôn có những chính sách khuyến khích đầy đủ, chi tiết, tuy nhiên vấn đề nằm ở việc thực thi. Do đó, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát rất cụ thể các chính sách của từng ngành, từng lĩnh vực. Qua đó, đưa ra lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện, gắn trách nhiệm của các bộ ngành và địa phương trong thực thi chính sách.
- Vậy chính sách nào cần được thực hiện đột phá nhất trong năm 2024, thưa ông?
Chính sách cần thực hiện đột phá là về giải ngân vốn đầu tư công để lan toả sang các lĩnh vực và dòng vốn đầu tư ngoài nhà nước.
Đặc biệt, tôi nhấn mạnh là cần chính sách đột phá thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực mới, động lực tăng trưởng mới như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BẢO NGÀY 6/3: Động lực mới cho tăng trưởng
03:44, 06/03/2024
Bất động sản TP.HCM bước vào chu kỳ tăng trưởng
03:00, 06/03/2024
Triển vọng tăng trưởng GDP
01:31, 05/03/2024
Điều chỉnh mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa
04:30, 04/03/2024
Động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu
02:30, 04/03/2024
Việt Nam sẽ vào nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới
17:31, 02/03/2024