Nhà đầu tư thắc mắc sẽ “được gì” từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư?
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự băn khoăn về phạm vi áp dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến.
>>Dòng vốn FDI đang hướng vào hàm lượng công nghệ cao
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Đặc biệt, Quỹ Hỗ trợ đầu tư liên quan đến doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao.
Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng…
Bình luận về dự thảo quỹ này, theo bà Virginia B. Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) các doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu là từ nhiều ngành nghề khác nhau, chứ không chỉ công nghệ cao. “Nếu quy định chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao thì quá hẹp”, bà Virginia B. Foote nói.
Bà Virginia cũng đề nghị cần làm rõ tiêu chí “doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển)”. Bởi, có doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động R&D, nhưng không xây dựng một trung tâm R&D riêng. “Trong trường hợp này, nhà đầu tư được hỗ trợ hay không và sẽ hỗ trợ như thế nào?”, bà Virginia B. Foote nêu câu hỏi.
Còn đại diện của của NIDEC, một doanh nghiệp đang đầu tư quy mô lớn trong các khu công nghệ công nghệ cao đề nghị cần xem xét hỗ trợ đầu tư trên quy mô toàn tập đoàn.
“NIDEC có 13 công ty con tại Việt Nam, cho nên khi xem xét hỗ trợ, cần cân nhắc trên quy mô tổng đầu tư của các công ty này. Như vậy mới đảm bảo khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sâu tại thị trường Việt Nam”, đại diện của NIDEC đề xuất.
Trao đổi về những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Dự thảo được xây dựng không nhằm thực hiện việc bồi hoàn cho các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, mà không phân biệt đối xử, bất kể doanh nghiệp trong hay ngoài nước, doanh nghiệp đang hoạt động hay đầu tư mới, nếu đáp ứng được tiêu chí đặt ra, thì đều được hỗ trợ.
>>Hút vốn FDI vào Bắc Trung Bộ
>>Thấy gì từ 405 dự án FDI mới đầu tư vào Việt Nam?
“Sẽ không có chuyện xin - cho. Tất cả đều sẽ được quy định minh bạch, rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với quy định của OECD; quy trình, thủ tục cũng sẽ được xây dựng theo hướng tạo thuận tiện cho nhà đầu tư và cả cơ quan nhà nước”, bà Ngọc khẳng định.
Góp ý vào Dự thảo, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) đánh giá mức hỗ trợ chưa rõ ràng để thu hút đầu tư. “Điều kiện nhận hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Tiêu chí về quy mô dự án đầu tư để nhận được sự hỗ trợ này rất cao, nên mở rộng và nới lỏng để nhiều doanh nghiệp được nhận hỗ trợ hơn”, ông Hong Sun bày tỏ.
Còn theo ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, nên hỗ trợ đầu tư cho cả doanh nghiệp quy có quy mô nhỏ, nhưng có đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng, cũng như đóng góp vào lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam.
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết Việt Nam xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư không phải để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu, mà là hướng đến việc tạo sự ổn định cho môi trường đầu tư, cũng như hướng đến các lĩnh vực thu hút đầu tư mà Việt Nam đang khuyến khích.
Có thể bạn quan tâm
Nâng cao chất lượng FDI: Cần tiếp tục tháo gỡ những… “nút thắt”
18:19, 07/03/2024
Doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Thái Bình
02:00, 06/03/2024
Dòng vốn FDI đang hướng vào hàm lượng công nghệ cao
04:10, 05/03/2024
Hút vốn FDI vào Bắc Trung Bộ
11:17, 29/02/2024
Thấy gì từ 405 dự án FDI mới đầu tư vào Việt Nam?
04:00, 29/02/2024