Nên điều chỉnh linh hoạt mức giảm trừ gia cảnh hàng năm
Mức giảm trừ gia cảnh hiện đã lạc hậu, không đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản, các chuyên gia cho rằng cần điều chỉnh linh hoạt theo chỉ số trượt giá hàng năm để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế…
>>Thuế thu nhập cá nhân – Đã đến lúc cần điều chỉnh
Hiện nay, mức thu nhập từ 11 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân và giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người. Thuế thu nhập cá nhân dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%.
Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đời sống của người dân. Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào tháng 7/2023, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.
Bình luận về nội dung này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguyên tắc cốt lõi của thuế thu nhập cá nhân phải đánh vào những người có thu nhập cao nhưng vẫn khuyến khích họ làm giàu và bảo đảm tính công bằng giữa các đối tượng chịu thuế.
Theo ông Thịnh, hiện nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đang ở mức quá cao trong khi xu thế các nước hạ thấp. Ông Thịnh dẫn ví dụ, Singapore đã giảm mức thuế thu nhập cá nhân về mức 20%, Indonesia 25%, trong khi Việt Nam hiện lên tới 35%.
“Người kiếm được hàng trăm triệu đồng/tháng thường là những người giỏi, tạo công ăn việc làm và đó chính là sự đóng góp cho xã hội chứ không phải đơn thuần thông qua đóng thuế. Ngoài ra, ở Việt Nam, chủ yếu người gánh thuế thu nhập cá nhân là làm công ăn lương. Vì vậy, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tốc độ trượt giá, chi phí sinh hoạt tăng”, ông Thịnh khuyến nghị.
>>Thuế thu nhập cá nhân – Chờ hơn 3 năm nữa, liệu có phù hợp?
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân nên sửa đổi quy định khung thay vì đưa ra những quy định chi tiết, “cứng”. Nền kinh tế liên tục chuyển động, các chỉ số lạm phát, thu nhập bình quân của người dân hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi và biến động theo từng năm.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế và người phụ thuộc không nên quy định cứng mà nên điều chỉnh 1-2 năm/lần, dựa vào các chỉ số lạm phát, chỉ số CPI và mức chi tiêu bình quân của người dân mỗi năm để có công thức điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho năm kế tiếp.
Cũng theo vị chuyên gia này, các thang bậc thuế thu nhập cá nhân hiện quá dày, đi sau thực tế đã nhiều năm cũng cần được điều chỉnh lại cho hợp lý. Với khoảng cách của các bậc thuế thu nhập cá nhân hiện tại thì ngay khi lương vừa nhích lên vài trăm ngàn đồng là người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Mức thuế như vậy không phát huy được hiệu suất lao động và quan trọng là không tạo được sự công bằng cũng như khích lệ đối với những người kinh doanh, được xem là đối tượng đóng góp chính cho ngân sách.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, cần giảm mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân 35% để khuyến khích người lao động có thu nhập cao. Đặc biệt, với bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, chính sách tài khóa hướng đến người lao động là rất quan trọng.
Lý giải rõ hơn về điều này, ông Điền phân tích, khi được nâng mức giảm trừ gia cảnh đồng nghĩa mức thuế thu nhập cá nhân phải đóng ít hơn, người lao động sẽ có thêm tiền để chi tiêu, kích cầu tiêu dùng hay thậm chí là đầu tư vào nền kinh tế. Kích thích sản xuất tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó thu ngân sách các khoản thuế, phí khác sẽ nhiều hơn. “Do đó, Bộ Tài chính cần đề xuất Quốc hội sớm phê duyệt nâng mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm 2024 chứ không chờ đến khi sửa luật”, vị chuyên gia kiến nghị.
Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế cũng cho rằng, quy định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã không còn phù hợp. Do đó, cần xem xét sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn về thời gian và mức biến động quy định trong luật khoảng 10%.
“Cần sớm có nghị quyết nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân để gỡ khó cho người dân ngay trong năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ”, chuyên gia thuế Trần Xoa kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm