Cần bỏ quy định nộp VAT cho nguyên phụ liệu phục vụ xuất khẩu
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) bày tỏ mong muốn Nhà nước bỏ quy định nộp VAT cho nguyên phụ liệu mua bán phục vụ xuất khẩu trong chuỗi cung ứng.
>>Thúc đẩy xanh hoá ngành dệt may
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS):
Năm 2024, để tìm cơ hội trong thách thức, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động thích ứng với nguồn nguyên liệu xanh, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới. Thực hiện giảm phát thải bằng cách chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng mới mà cách doanh nghiệp lớn đã áp dụng cách đây từ 3 – 4 năm về trước.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 để hình thành các tổ hợp, các khu công nghiệp dệt nhuộm lớn tại một số địa phương có đủ điều kiện. Đặc biệt, chỉ thu hút các dự án đầu tư sợi, dệt nhuộm công nghệ cao, tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, môi trường.
Về thuế phí, chúng tôi mong muốn Nhà nước bỏ quy định nộp VAT cho nguyên phụ liệu mua bán phục vụ xuất khẩu trong chuỗi cung ứng. Vì việc hình thành các chuỗi cung ứng trong nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, sử dụng bán thành phẩm của nhau để sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế VAT 10%, sau khi xuất khẩu xong mới làm thủ tục hoàn thuế. Việc này khiến các doanh nghiệp phải vay ngân hàng và chờ thủ tục hoàn thuế rất lâu, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của doanh nghiệp. Những bất cập này khiến nhiều doanh nghiệp chỉ lựa chọn hình thức gia công thay vì phát triển một chuỗi hoàn tất phục vụ cho sản xuất xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cần tận dụng được những ưu thế cạnh tranh khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững đi đôi với thích ứng mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về xanh hoá, giảm phát thải nhà kính. Trong đó cần đầu tư vào quản trị số, thực hiện công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao và tập trung giải pháp phát triển công nghiệp trong sản xuất thời trang.
Có thể bạn quan tâm