Doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ ngành công nghiệp bán dẫn?
Ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số, đào tạo nhân lực.
>>>Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
Tiền năng phát triển mạnh mẽ
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất ở châu Á. Đặc biệt, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của đất nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 57,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2022 và chiếm tỷ trọng 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam là rất lớn.
Hơn nữa, Việt Nam cũng được đánh giá là có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và giá thành sản xuất rẻ hơn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Điều này, tạo cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Tại buổi gặp gỡ hội viên Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Công nghiệp bán dẫn Việt Nam (SIV) cho rằng, ngành Công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đặc biệt là trong các công đoạn: Thiết kế; kiểm thử, hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế...
Ông dẫn chứng, một công ty bán dẫn của Mỹ chế tạo chip tại Đài Loan (Trung Quốc) đang phải đem về Mỹ test, sau đó chuyển chip quay trở lại Đài Loan để lắp ráp máy móc. Họ sẵn sàng đặt hàng nếu doanh nghiệp Việt có thể đảm nhiệm việc test chip. Đây là cơ hội mà doanh nghiệp Việt có thể bắt tay làm ngay.
Trong báo cáo Chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, doanh thu bán dẫn toàn cầu kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024 nhờ nhu cầu về các thiết bị điện tử phục hồi và chứng kiến chu kỳ tăng trưởng dài hạn mới nhờ nhu cầu thiết bị điện tử, xe điện, và mức độ phổ biến của AI, IoT, 5G,... ngày càng tăng.
Do tính phân mảnh nhưng chuyên môn hóa theo khu vực của chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, COVID-19 và căng thẳng Mỹ-Trung đã làm gia tăng mối lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng. Các công ty trên toàn cầu đang có xu hướng theo đuổi kế hoạch sản xuất "Trung Quốc + 1" hoặc "Đài Loan + 1".
Cơ hội cho các doanh nghiệp đào tạo nhân lực
Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn với những lợi thế như nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và chi phí cạnh tranh. Về chính sách hỗ trợ, Việt Nam đang hoàn thiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Ngoài ra, Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng Nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, trong đó, có công nghiệp bán dẫn.
“Tuy nhiên, việc thiếu lao động có chuyên môn cho ngành bán dẫn đang là một điểm nghẽn. Chính phủ đang gấp rút xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty đào tạo nhân lực công nghệ như FPT trong dài hạn”, VNDirect đánh giá.
VNDirect cũng cho rằng, FPT là doanh nghiệp công nghệ niêm yết lớn nhất xét về doanh thu tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông và giáo dục nhân lực CNTT. FPT được trang bị đầy đủ để nắm bắt xu hướng CNTT toàn cầu và duy trì được kết quả kinh doanh vững chắc dù trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, FPT đang tập trung vào M&A để mở rộng thương hiệu và cơ sở khách hàng ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, mang lại tiềm năng lớn cho công ty. Do đó, các thương vụ M&A thành công sẽ giúp FPT gia tăng thị phần ở nước ngoài.
Liên quan câu chuyện nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết, Đài Loan năm nay khánh thành 14 nhà máy chip mới, xây dựng tổng cậng 40 nhà máy. Họ đang xây dựng một sức mạnh chip mới và đang thiếu nhân lực.
"Một công ty hàng đầu của Đài Loan trong lĩnh vực chip cho biết mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu về nguồn nhân lực, mặc dù Chính phủ Đài Loan đã triển khai nhiều chương trình tài trợ cho các trường để xây dựng phòng thí nghiệm, tài trợ kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực. Họ sẵn sàng nhận người Việt Nam nếu chúng ta có thể nhanh chóng gửi người phù hợp sang", ông Bình thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn
03:00, 08/12/2023
Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc “mắc kẹt” ở đâu?
04:30, 30/01/2024
Việt Nam muốn "đi sau, về trước" trong phát triển công nghiệp bán dẫn
14:36, 16/12/2023
Đón “đại bàng” công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thành điểm đến toàn cầu
02:00, 30/10/2023
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) xúc tiến đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh
20:59, 27/10/2023