Sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành trước 30/4/2025
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và liên danh nhà thầu cam kết rút ngắn tiến độ thi công công trình đường cất hạ cánh xuống 3 tháng so với tiến độ hợp đồng, để hoàn thành trước 30/4/2025.
>>Khơi thông nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành
Đó là thông điệp được ACV đưa ra lễ phát động thi đua hoàn thành thi công và khai thác kỹ thuật công trình đường cất hạ cánh, thuộc gói thầu 4.6 - dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, về mục tiêu, ACV cùng liên danh nhà thầu phát động thi đua rút ngắn tiến độ thi công công trình đường cất hạ cánh xuống 3 tháng so với tiến độ hợp đồng; nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đặc biệt là an toàn lao động trên công trường. Mục tiêu là hoàn thành thi công và khai thác kỹ thuật đường cất hạ cánh sân bay Long Thành trước 30/4/2025.
Theo kế hoạch, gói thầu 4.6 được thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác" được khởi công cùng thời điểm với với hạng mục nhà ga hành khách (ngày 31/8/2023).
Đây là gói thầu rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động bay của sân bay Long Thành khi đi vào khai thác. Trong đó công trình đường băng cất hạ cánh sân bay Long Thành có chiều dài 4.000 m, rộng 70 m, có thể tiếp nhận các loại tàu bay tiên tiến nhất hiện nay.
Đến nay, công tác thi công đường cất hạ cánh đang bám sát tiến độ, về cơ bản đã hoàn thành các hạng mục nền đất, nền cát; lớp cấp phối đá dăm đã hoàn thành trên 70%. Các đơn vị đang triển khai thi công lớp bê tông xi măng đại trà để đi đến hoàn thành đường cất hạ cánh và bay hiệu chuẩn trước ngày 30/4/2025.
Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ dự án, ACV đã chỉ đạo các nhà thầu triển khai kế hoạch thi công xuyên tết và triển khai bố trí nhân sự, máy móc thiết bị đảm bảo tiến độ tổng thể dự án nói chung và các hạng mục nói riêng.
Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, công trường có khoảng 1.000 nhân lực, 100 máy móc thi công xuyên tết.
Liên quan tới tiến độ dự án, ông Dương Quang Điện - Phó giám đốc thường trực Ban Quản lý Dự án sân bay Long Thành, cho biết 6 tháng mùa khô là điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Do đó ACV đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung toàn lực, phương tiện máy móc, tăng ca thi công ngày và đêm từ 7 - 23 giờ. Các văn phòng hiện trường luôn túc trực 24/7 để đôn đốc, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công.
Cũng theo ông Điện, riêng trong dịp tết, ACV đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu lên kế hoạch thi công xuyên tết và triển khai bố trí nhân sự, máy móc thiết bị đảm bảo bám sát tiến độ các hạng mục nói riêng và tiến độ tổng thể dự án nói chung.
>>Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành
Trước đó, ngày 26/8/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chính thức khởi công xây dựng công trình nhà ga hành khách và đường băng cất hạ cánh của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Theo ACV, đây là những công trình quan trọng, có giá trị lớn của dự án sân bay Long Thành. Cụ thể, công trình nhà ga hành khách giá trị lên đến hơn 35.000 tỉ đồng, thời gian thi công 39 tháng, được đánh giá là gói thầu có giá trị lớn và có tính chất phức tạp nhất hiện nay.
Nhà ga được thiết kế theo hình ảnh hoa sen, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn 376.451,32m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay.
Đối với công trình đường băng cất hạ cánh có trị giá 7.308 tỉ đồng, thời gian thi công 700 ngày. Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 4 sân đỗ tàu bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha.
Ngoài ra còn các hạng mục hạ tầng giao thông đi kèm như: Hệ thống đường công vụ khu bay có tổng chiều dài 29,67 km; hệ thống thoát nước mưa khu bay; hệ thống đèn hiệu sân bay (AGL); hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay (AFL); hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác - ILS/DME đạt tiêu chuẩn CAT II; hạng mục băng ống và hố ga để lắp đặt cáp cho hệ thống cấp điện nguồn và ICT. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ trợ như: hệ thống hàng rào an ninh khu bay, bốt gác để đảm bảo công tác an ninh, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài.
Sân bay Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,3 tỉ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (dự kiến khai thác vào năm 2026) sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. |
Có thể bạn quan tâm
Sonadezi Long Thành: Hai thập kỷ phát triển và đóng góp giá trị
09:33, 10/11/2023
Tiến độ dự án bồi thường, tái định cư Sân bay Long Thành đã đạt gần 98,7%
12:23, 09/11/2023
Bộ GTVT: Giai đoạn khó khăn nhất của Dự án Sân bay Long Thành đã qua
12:04, 09/11/2023
Khơi thông nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành
08:49, 09/11/2023
Sonadezi Long Thành: Hai thập kỷ phát triển và đóng góp giá trị
17:41, 01/11/2023