Dù tăng giá, các vấn đề của Bitcoin vẫn tồn tại
Việc phê duyệt các quỹ ETF Bitcoin giao ngay đang thu hút sự quan tâm, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về việc tiền điện tử sẽ mất đi vị thế là một sản phẩm phi tập trung và không thể kiểm soát.
>>Sau đỉnh thời đại 73.679 USD/BTC, Bitcoin sẽ còn lên giá mới?
Tiền điện tử dần được thể chế hoá
Bitcoin (BTC) đã trở lại sau thời gian dài đầy khó khăn, với mức giá tăng cao hơn 73.000 USD/BTC nhờ sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý Hoa Kỳ và hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 72.800 USD vào tối ngày 14/3.
Xét về sự trở lại, Bitcoin được xem là loại tài sản rủi ro có sức tăng trưởng rất “nóng” trên thị trường tài chính. Vào cuối năm 2022, tiền điện tử có vẻ như không thể phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường đầy tiêu cực. Lãi suất tăng mạnh không chỉ làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro, mà sự sụp đổ ngoạn mục của sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới - FTX vào thời điểm đó, còn làm xói mòn niềm tin công chúng đối với một lĩnh vực đang bị chỉ trích bởi những vụ bê bối và lừa đảo.
Bitcoin cũng đã phải chịu áp lực pháp lý đối với tiền điện tử trên toàn thế giới, cùng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những “cơn gió ngược” này, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới vẫn tăng hơn 160% kể từ giữa tháng 10/2023 lên hơn 73.000 USD vào ngày 13/3/2024, đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Gần một nửa mức tăng này đã diễn ra kể từ đầu năm nay, khi vào ngày 10/1, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã tạo ra một cú hích lớn bằng cách phê duyệt đơn đăng ký của hơn 10 công ty, bao gồm cả những “gã khổng lồ” ở Phố Wall như BlackRock và Fidelity để ra mắt các quỹ ETF Bitcoin.
Đây là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của tài sản tiền điện tử, điều đặc biệt là SEC đã từ chối các ứng dụng như vậy trong thời gian dài. Việc ra mắt các quỹ ETF Bitcoin giao ngay giúp nhiều nhà đầu tư dễ dàng mua mã thông báo hơn mà không cần trực tiếp nắm giữ Bitcoin.
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 7/3, Deutsche Bank cho biết: “Thế giới tiền điện tử đang dần hướng tới sự thể chế hóa, khi những người chơi tài chính truyền thống bắt đầu tham gia vào thị trường. Hiện SEC cũng đang xem xét liệu có chấp nhận đơn đăng ký triển khai ETF Ethereum, loại tiền ảo lớn thứ hai hay không”.
>>Bitcoin đối diện đà giảm mạnh sau chu kỳ chia nửa
Và những vấn đề đáng lo ngại
Là một tài sản tài chính, Bitcoin dường như đang chứng minh những người phản đối nó đã sai và tự khẳng định mình là một tài sản được củng cố bởi sức mạnh bền bỉ, đáng chú ý và tính hợp pháp mới đạt được.
Ngày 11/3, cơ quan giám sát tài chính Vương quốc Anh - một trong những cơ quan quản lý thận trọng với tiền điện tử nhất thế giới, cho biết sẽ không phản đối việc tạo ra các chứng chỉ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bởi các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum.
Chia sẻ trên SCMP, chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro tại công ty tư vấn Lauressa Advisory cho rằng, các vấn đề đáng lo ngại của Bitcoin nói riêng và cả thị trường tiền điện tử nói chung vẫn tồn tại. Điều đáng chú ý nhất là 16 năm sau khi Bitcoin được phát minh, việc sử dụng token làm công cụ thanh toán đã đạt được rất ít tiến triển, chủ yếu là do chi phí cao và tốc độ giao dịch chậm.
Ngay cả ở El Salvador - quốc gia đầu tiên đấu thầu hợp pháp Bitcoin và nơi mà triển vọng chấp nhận tiền điện tử có vẻ thuận lợi hơn, do khả năng tiếp cận hạn chế của người Salvador với các dịch vụ tài chính truyền thống, thì đến nay Bitcoin vẫn chưa được sử dụng rộng rãi như một phương tiện trao đổi hiệu quả. Điều này một phần là do những lo ngại về quyền riêng tư và tính minh bạch.
Hơn nữa, quan điểm về Bitcoin đã trở nên phân cực hơn. Đối với những người ủng hộ nó, coi đây là phiên bản kỹ thuật số của vàng, có giá trị được củng cố bởi nguồn cung hạn chế. Sự kiện chia nửa Bitcoin sắp tới, hay việc giảm số lượng xu cung cấp ra thị trường diễn ra 4 năm một lần sẽ giúp đẩy giá token lên cao hơn nữa.
Ngược lại, với những người chỉ trích thì Bitcoin chỉ là một tài sản đầu cơ, cùng với các đồng tiền kỹ thuật số khác trở thành phương tiện dành cho những kẻ lừa đảo, khủng bố, rửa tiền... Điển hình là Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới đã từ chối cung cấp các quỹ ETF Bitcoin mới trên nền tảng giao dịch của họ, vì ác cảm từ lâu đối với các khoản đầu cơ.
Ngay cả việc SEC chấp thuận các quỹ ETF Bitcoin, nhưng Chủ tịch cơ quan giám sát Hoa Kỳ - Gary Gensler đã nhấn mạnh, quyết định của SEC không phải là sự chứng thực cho Bitcoin, vốn là một tài sản dễ bay hơi cũng như được sử dụng cho nhiều hoạt động bất hợp pháp.
“Từ những vấn đề trên, người hâm mộ tiền điện tử có thể dần nhận ra những lo ngại. Lời hứa ban đầu của Bitcoin là cung cấp một hình thức tiền phi tập trung vượt qua Chính phủ và tài chính truyền thống, nhưng đến nay, các quy định chặt chẽ hơn và sự gia nhập của các công ty lớn ở Phố Wall vào thị trường đang dần đi ngược với nguyên lý ban đầu của nó. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận, tài chính truyền thống đã đưa Bitcoin trở lại từ đáy sụp đổ mà cách đây hơn một năm, ít ai có thể đoán trước được thị trường sẽ đạt được sự tiến bộ nhanh chóng như vậy”, vị chuyên gia bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Sau đỉnh thời đại 73.679 USD/BTC, Bitcoin sẽ còn lên giá mới?
05:30, 14/03/2024
Bitcoin đối diện đà giảm mạnh sau chu kỳ chia nửa
04:00, 25/02/2024
Các quỹ ETF Bitcoin khó tiếp cận thị trường châu Âu
05:00, 21/02/2024
Vì sao Bitcoin mắc kẹt ở vùng giá 52.000 USD/BTC?
05:00, 18/02/2024
Bitcoin nhắm mục tiêu vượt 55.000 USD/BTC
05:05, 16/02/2024