1.200 dự án nhà ở chờ gỡ vướng

VI ANH 15/03/2024 03:00

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì mới đây.

>>Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại với đất khác

Trong thời gian qua, dù đã nhận được sự hỗ trợ quyết liệt từ Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nhưng doanh nghiệp địa ốc vẫn cần thêm những trợ lực.

 Dù đã nhận được sự hỗ trợ quyết liệt từ Chính phủ nhưng doanh nghiệp địa ốc vẫn cần thêm những trợ lực. Ảnh:VA

Doanh nghiệp kêu khó

Chỉ ra lệch cung cầu trên thị trường là một vấn đề, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Công ty GP.INVEST lý giải nguyên nhân do thị trường địa ốc đang khan hiếm nhà ở vừa túi tiền, trong khi lại dư thừa bất động sản hạng sang - nơi phần đa người dân không đủ khả năng chi trả. Điều này lại khiến phân khúc nhà ở vừa túi tiền ở thời điểm trước đây bị tăng giá. Điển hình như căn hộ The Nine, trong giai đoạn đầu năm 2022 có mức giá bán từ 42 - 45 triệu đồng/m2, thì nay đã lên 70 - 80 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, bốn phương pháp định giá đất như trước đây (so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh) cũng là một rào cản đối với doanh nghiệp, bởi bảng giá đất mới theo dự kiến phải đến đầu năm 2026 mới được ban hành.

>>Hàng trăm dự án bất động sản đang chờ gỡ vướng

Đồng thời, ông Hiệp cho rằng, để giá đất có quá trình tiệm cận với giá thị trường cũng là một cách hợp lý nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, Chủ tịch GP.INVEST mong muốn Tổ công tác sẽ có những chương trình kiểm tra thường xuyên ở các địa phương có dự án bị chậm trễ để giúp các địa phương xử lý tháo gỡ.

Chia sẻ về những khó khăn, đại diện Hưng Thịnh cho biết: Tính đến nay, doanh nghiệp đã kiến nghị đến Tổ Công tác Thủ tướng; đến 06 địa phương (TP.HCM, Đồng Nai, BRVT, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định) để được xem xét tháo gỡ cho khoảng 40 dự án.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Tổ Công tác và lãnh đạo các địa phương, bước đầu đã có những tiến triển, tiền đề tháo gỡ rõ rệt. Tuy nhiên, xét về kết quả sau cùng, mới giải quyết được một số ít dự án. Mặc dù đã rất nỗ lực, nhưng tiến độ tháo gỡ chưa được như kỳ vọng, vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp.

“Có như vậy mới rút ngắn được thời gian thực hiện dự án, góp phần làm giảm giá nhà tới tay người tiêu dùng, và tạo công ăn việc làm cho rất nhiều ngành nghề liên quan đến bất động sản”, đại diện Hưng Thịnh cho biết.

Lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp địa ốc, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

 Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Mặc dù nhiều vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) được Quốc hội thông qua tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn tại thời điểm hiện nay.

Chính phủ tiếp tục tháo gỡ “nút thắt”

Lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp địa ốc, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Để tháo gỡ “nút thắt” trong thị trường bất động sản, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, Bộ Xây dựng tập trung khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Chính phủ trong tháng 5/2024.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý; đôn đốc các địa phương giải quyết các khó khăn của các dự án bất động sản đã được Tổ công tác rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30/06/2024.

"Các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong khắc phục "nghịch lý" thừa phân khúc cấp cao, thiếu phân khúc bình dân, giải quyết tình trạng ‘thổi giá,’ ‘đẩy giá’… Cần có quan điểm rõ ràng, công tâm, khách quan, không né tránh nhằm đưa thị trường bất động sản trở lại hoạt động bình thường," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, trong thời gian tới, Tổ công tác tiếp tục tập trung triển khai hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1435/QĐ-TTg về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng trăm dự án bất động sản đang chờ gỡ vướng

    Hàng trăm dự án bất động sản đang chờ gỡ vướng

    15:44, 12/03/2024

  • Tạo hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản

    Tạo hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản

    14:36, 12/03/2024

  • Nhà đầu tư “chạy đua” mua vào bất động sản có chính sách tốt

    Nhà đầu tư “chạy đua” mua vào bất động sản có chính sách tốt

    13:27, 11/03/2024

  • Tập trung gỡ khó cho các dự án bất động sản Quảng Nam

    Tập trung gỡ khó cho các dự án bất động sản Quảng Nam

    11:04, 11/03/2024

  • Tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản

    Tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản

    09:53, 11/03/2024

VI ANH