Thái Bình: Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế
Nhận thức được tầm quan trọng về bảo vệ môi trường (BVMT) trong phát triển bền vững, trong những năm qua tỉnh Thái Bình đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.
>>>Doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị y tế tại Thái Bình
Chủ động triển khai...
UBND tỉnh Thái Bình luôn xác định công tác BVMT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước. Trong đó, tăng cường quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là nguồn khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng. Phòng tránh lãng phí nguồn tài nguyên và gây ô nhiêm môi trường (ONMT). Các địa phương đã quan tâm đầu tư hệ thống thu gom và xử lý rác thải, thường xuyên kiểm soát ONMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn công tác BVMT đã ban hành; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những nội dung hoặc văn bản không còn phù hợp với pháp luật và thực tế; cụ thể hóa kịp thời các chính sách, pháp luật mới ban hành vào thực tiễn của tỉnh; bảo đảm các văn bản được cụ thể hóa phù hợp với chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sát thực tế và khả thi. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác BVMT như quy hoạch, phát triển kinh tế gắn với BVMT, quy hoạch mạng lưới quan trắc, quy hoạch đa dạng sinh học, kế hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải y tế...
Công tác BVMT được các ngành, các cấp và cộng đồng quan tâm; lồng ghép thực hiện các nội dung, nhiệm vụ BVMT vào trong các quy hoạch, kế hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; bố trí các dự án vào khu, cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp với tính chất, ngành nghề; hạn chế đầu tư dự án ngoài khu, cụm công nghiệp.
Do vậy, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt, có sự cải thiện dần qua từng năm và so với giai đoạn trước, nhất là các chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom tại đô thị, nông thôn đạt yêu cầu, quy hoạch vị trí khu xử lý chất thải rắn thông thường tập trung của huyện, thành phố đã được xác lập và đưa vào quy hoạch sử dụng đất của huyện, thành phố giai đoạn 2021 - 2030; Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện nền nếp kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút, khuyến khích và lựa chọn các nhà đầu tư, các loại hình sản xuất có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Công tác quan trắc môi trường được đẩy mạnh, hệ thống quan trắc tự động liên tục cũng được tăng cường nhằm kiểm soát ô nhiễm, giám sát các hoạt động phát thải, cung cấp cơ sở dữ liệu, cảnh báo chất lượng môi trường.
Theo Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh: Đến nay, có 7/7 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 100%; 7/36 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng, hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung. 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải, nòng cốt là hội phụ nữ và lao động nhàn rỗi; tỷ lệ thu gom đạt 90 - 95%.
Bảo vệ để phát triển bền vững
Theo Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thái Bình, trong quá trình phát triển kinh tế, chất thải từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, chất thải sinh hoạt được xác định là đối tượng chính gây tác động tiêu cực tới các thành phần môi trường tự nhiên gồm đất, nước và không khí. Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, công tác BVMT phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên. Vì vậy, từ quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung đều được thực hiện đồng bộ gắn với cam kết BVMT của doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Kế - Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Trong Quy hoạch tỉnh, huyện Tiền Hải xác định mục tiêu phát triển công nghiệp, đô thị gắn với phát triển phía Nam Khu kinh tế; phát triển kinh tế biển với thế mạnh về dịch vụ thương mại, du lịch và thủy hải sản, khai thác, chế biến dầu khí, khí mỏ; phát triển hạ tầng đô thị và nhà ở; phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp nông nghiệp truyền thống, bảo đảm phục vụ các vùng đô thị và du lịch ven biển; lấn biển để mở rộng không gian phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện chú trọng công tác BVMT, hướng tới phát triển bền vững. Về xử lý nước thải, sẽ xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt bảo đảm thu gom và xử lý. Tại các khu công nghiệp, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải riêng để thu gom và xử lý nước thải tại chỗ.
Đối với khu vực nông thôn, nước thải được xử lý sơ bộ trong các gia đình qua hệ thống bể tự hoại, sau đó thoát chung vào hệ thống thoát nước mưa, tiến tới sẽ được thu gom đưa về khu xử lý nước thải tập trung của đô thị. Về quản lý chất thải rắn, toàn bộ rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý rác thải theo phương án xử lý chất thải rắn toàn tỉnh. Rác thải của Khu kinh tế được đưa về khu xử lý rác thải của Khu kinh tế tại huyện Thái Thụy. Rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến khu xử lý rác thải theo phương án xử lý chất thải rắn toàn tỉnh tại huyện diện tích khoảng 5 - 12ha.
Những giải pháp đồng bộ trong Quy hoạch tỉnh sẽ là động lực to lớn để Thái Bình tiếp tục có những cải cách, đổi mới, tiến bộ hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không để hệ lụy cho tương lai con cháu sau này. Trong nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, Thái Bình sẽ chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BVMT, các cơ quan doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục tăng chi ngân sách đảm bảo tỷ lệ 1% ngân sách nhà nước dành cho công tác BVMT và tăng dần tỷ lệ theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, ddẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động BVMT, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong giám sát, phản biện xã hội và huy động nguồn lực để BVMT. Duy trì hoạt động quan trắc môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường để dự báo và xử lý kịp thời các vùng, điểm có nguy cơ gây ONMT; thực hiện các dự án điều tra, đánh giá chất thải để xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, phục vụ công tác quản lý, định hướng phát triển.
Có thể bạn quan tâm