“Thúc” tiến độ dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
Để hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra, tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch “thúc” tiến độ, trong đó chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để có mặt bằng sạch.
>>Giải ngân vốn đầu tư công hàng chục công trình trọng điểm tại Quảng Nam đạt 100%
Tháng 7/2023, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ khởi công Dự án liên kết vùng miền trung tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư hơn 768 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA từ quỹ hợp tác phát triển kinh tế của Hàn Quốc và vốn ngân sách Nhà nuớc. Theo đó, dự án dài khoảng 31,5km, đi qua 4 huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, dự kiến hoàn thành ngày 5/12/2025.
Về mục tiêu, dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tăng cường kết nối, thúc đẩy giao thương hàng hoá khu vực đồng bằng và miền núi, vận chuyển các sản phẩm nông lâm nghiệp phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy trong Khu Kinh tế mở Chu Lai. Qua đó rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung và ngược lại. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đang có nhiều vướng mắc.
Tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vào ngày 5/3 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (Ban Quản lý) cho hay tiến độ từ lúc khởi công đến nay đã đạt kế hoạch 26% và trong năm 2024 dự kiến sản lượng xây lắp đạt hơn 268 tỷ đồng, cùng với đó là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư là 125,5 tỷ đồng. Theo vị này, thực tế đã vượt giá trị dự kiến và giá trị khái toán cập nhật lại tại thời điểm cuối năm 2023 là hơn 323 tỷ đồng.
“Đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường hơn 94 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án đến nay vẫn còn chậm. Đến nay, Ban giao thông đã nhận bàn giao mặt bằng được 7,18/31,47km (đạt 22,8%) nhưng mặt bằng không liên tục”, ông Tâm cho hay.
Tại kết luận mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng kết quả đạt được chưa như mong muốn, mặt bằng bàn giao đảm bảo điều kiện triển khai thi công chưa nhiều. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tích cực phối hợp, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết các hồ sơ, thủ tục, triển khai thi công hoàn thành từng hạng mục, đoạn tuyến cụ thể để tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý xây dựng kế hoạch, tiến độ thi công cụ thể, chi tiết đối với từng hạng mục, công trình, đoạn tuyến,… để làm cơ sở cho các địa phương tập trung phối hợp, kịp thời giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công và chỉ đạo đơn vị thi công tập trung phương tiện, thiết bị, máy móc, nhân lực tổ chức triển khai thi công hoàn thành từng đoạn tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, sớm hoàn thành toàn bộ dự án. Chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương tổ chức triển khai thi công các hạng mục, công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và kịp thời giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí cho dự án.
Đơn vị này cũng cần phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án. Với khó khăn trong cung cấp nguồn đất đắp, tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương cho chủ đầu tư sử dụng nguồn đất dư thừa của dự án từ khu vực đào sang khu vực đắp;,Ban Quản lý căn cứ các quy định để rà soát, tính toán điều chỉnh dự toán, giá gói thầu, đơn giá hợp đồng (nếu có) theo đúng quy định.
“Do dự án đã được lập, phê duyệt từ năm 2017 nên tổng mức đầu tư và tiến độ thực hiện dự án không còn phù hợp; thống nhất chủ trương cho Ban Quản lý thực hiện các hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án bao gồm điều chỉnh tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện dự án (tiến độ hoàn thành thi công xây dựng phải đảm bảo trong năm 2025); trong đó lưu ý, do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng cao nên gây khó khăn cho việc cân đối nguồn vốn của dự án”, ông Quang kết luận.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng giao UBND các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các địa phương căn cứ kế hoạch, tiến độ thi công của chủ đầu tư để ưu tiên bố trí nhân lực, tập trung giải phóng mặt bằng tại các khu vực, công trình, hạng mục công trình, đoạn tuyến cần thi công trước và tổ chức rà soát lại từng khâu,... nhằm đảm bảo tiến độ, trường hợp cần thiết, cũng cố hồ sơ, thủ tục để bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định.
Đồng thời, thống kê, rà soát lại các phương án bồi thường đã được phê duyệt, dự kiến nguồn kinh phí cần thiết thực hiện công tác bồi thường trong thời gian tới sát với thực tế để tổng hợp, có văn bản gửi chủ đầu tư làm căn cứ tổng hợp, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở TN&MT theo dõi, phối hợp các địa phương trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất 5%, đất lấn chiếm, đất chuyển mục đích sử dụng không đúng quy định, đền bù ngoài vạch giải phóng mặt bằng, các trường hợp có nhà chênh cao/thấp khi đầu tư dự án. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai theo đúng quy định; kịp thời giải quyết các hồ sơ, thủ tục theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở KH&ĐT rà soát, dự kiến nguồn kinh phí bồi thường đảm bảo chặt chẽ, sát với thực tế và rà soát khối lượng, đơn giá, định mức phù hợp với các quy định hiện hành, nghiên cứu cắt giảm các hạng mục chưa thật sự cần thiết để hạn chế thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư. Sở GTVT giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng của dự án theo hướng tương tự dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đang triển khai thực hiện, nhất là việc cấp phép thi công di dời công trình điện.