Phá rào cản khu công nghiệp sinh thái
Tinh thần của các doanh nghiệp là ủng hộ khu công nghiệp (KCN) sinh thái, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc.
>>Phát triển khu công nghiệp sinh thái để hút dự án xanh
Chia sẻ với DĐDN, LS. Bùi Văn Thành, Ủy viên BCH lâm thời Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp (VIPFA), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng cần sớm tháo gỡ khó khăn để chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái.
- Trong báo cáo sơ bộ 30 năm phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến các Hiệp hội, doanh nghiệp... có nêu đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới. Ông đánh giá thế nào về định hướng này?
Tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT đã chỉ ra xu hướng mới trong phát triển KCN là chú trọng xây dựng và phát triển KCN sinh thái trong phương án xây dựng, phát triển hệ thống KCN, KKT của Việt Nam, bao gồm chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và xây dựng KCN sinh thái mới.
Thông tin từ một số địa phương và doanh nghiệp cho thấy, tinh thần là rất ủng hộ việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái, xây dựng phát triển KCN sinh thái mới, bảo vệ môi trường hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này trên thực tế là không đơn giản vì còn vướng rất nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ; nếu chậm trễ, sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra.
- Cụ thể, những khó khăn, thách thức đó là gì, thưa ông?
Thách thức lớn nhất là vấn đề pháp lý ở cả 3 cấp độ. Một là, quy định của luật liên quan thiếu tính đồng bộ hoặc mâu thuẫn. Hai là, ban hành, giải thích, áp dụng quy định văn bản dưới luật. Ba là, giải thích, áp dụng, thực thi pháp luật của công chức liên quan.
Cho đến nay, nhiều vấn đề pháp lý về việc hình thành, phát triển KCN sinh thái, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái chưa được hướng dẫn cụ thể. Đơn cử, Nghị định 35/2022 quy định KCN sinh thái là KCN mà các doanh nghiệp trong đó tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn. Còn theo Luật Môi trường, chỉ khi đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường thì doanh nghiệp mới được tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, sạch hơn là như thế nào, phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường ra sao… thì lại chưa có quy định cụ thể.
Hay xây dựng KCN phải có trong quy hoạch. Trong Luật Quy hoạch, nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng phải xác định hệ thống đô thị, nông thôn, KKT, KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao…
Như vậy, trước khi cấp thẩm quyền quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư thành lập KCN sinh thái, có phải bổ sung KCN sinh thái vào nội dung chủ yếu của phương hướng xây dựng quy hoạch vùng đã được phê duyệt hay không… Đây vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Về tài chính, đối với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chiếm gần 1/3 tổng mức đầu tư hạ tầng KCN. Để đảm bảo được tiêu chuẩn xanh hơn, sạch hơn thì tỷ tệ chi phí đầu tư hệ thống xử lý này còn cao hơn nữa.
Nếu không có cơ chế riêng hoặc ưu đãi tốt hơn, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đầu tư vào KCN truyền thống, thay vì đầu tư vào KCN sinh thái, hoặc trở thành “doanh nghiệp sinh thái”.
>>Xây dựng Khu công nghiệp sinh thái: Cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ
- Ông có kiến nghị gì để sớm tháo gỡ những vướng mắc nói trên?
Đến nay, tiêu chí KCN sinh thái vẫn còn khá mơ hồ. Nghị định số 35/2022/NĐ-CP nêu khái niệm KCN sinh thái phải đảm bảo tiêu chí sạch hơn, có hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một KCN hoặc trong các KCN khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong một khu hoặc các KCN khác nhau.
Kỳ vọng là vậy, nhưng khó thực hiện vì mỗi doanh nghiệp và cả KCN đều phải tuân thủ quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư của mình. Trường hợp thay đổi, có thể phải xin thẩm định lại đánh giá tác động môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường, thanh khoản hải quan đối với nguyên liệu, phế liệu... được nhập khẩu theo loại hình gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu...
Do đó, phải quan tâm xây dựng khung khổ pháp lý riêng áp dụng cho các trường hợp thành lập mới, hoặc áp dụng cho trường hợp chuyển đổi KCN cũ, truyền thống thành KCN sinh thái. Trong đó, cần có các hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan, các ưu đãi cho KCN sinh thái.
Theo tôi, nên sớm có luật về KCN, trong đó những quy định về KCN sinh thái cần được quy định rõ ràng thì mới thúc đẩy được doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới, đồng thời thúc đẩy các địa phương chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN sinh thái.
Về phía các doanh nghiệp và các nhà đầu tư phải quan tâm nhiều hơn đến KCN sinh thái. KCN sinh thái là xu hướng tất yếu. Nhà nước có luật, có chính sách, có ưu đãi và doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phát triển khu công nghiệp sinh thái để hút dự án xanh
02:30, 15/03/2024
Xây dựng Khu công nghiệp sinh thái: Cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ
12:00, 30/09/2023
Hải Phòng: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển khu công nghiệp sinh thái
01:45, 14/09/2023
Cần "đòn bẩy" để xây dựng khu công nghiệp sinh thái
04:42, 12/09/2023