Phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên
Du lịch cộng đồng đang là điểm sáng và có nhiều nguồn lực để phát triển giúp đa dạng hoá du lịch đến Tây Nguyên.
>>Quảng Ninh: Xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch với Nhật Bản
Buôn Kuốp xã Dray Sáp huyện Krông Ana là một trong những buôn của tỉnh Đắk Lắk được ưu tiên đầu tư để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Thông qua Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy Krông Ana, tính đến nay buôn đã được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để xây dựng và hoàn thiện nhiều hạng mục, như đèn đường, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, lắp đặt biển báo chỉ dẫn du lịch, bảng thông tin để du khách dễ tìm hiểu thuận tiện đi lại.
Ngoài ra, Sở Văn hoá thể thao và Du lịch cũng đào tạo 20 cá nhân, hộ gia đình tham gia vào hoạt động phục vụ du lịch tại buôn Kuôp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Các học viên được truyền đạt kiến thức, nghiệp vụ về du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng; cách thức tổ chức tốt mô hình du lịch cộng đồng, kỹ năng giao tiếp và quy trình phục vụ khách du lịch.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch- bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho rằng “Đắk Lắk có nhiều điều kiện phát triển về du lịch trong đó du lịch cộng đồng ngày càng được quan tâm hơn. Điều này vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng của các dân tộc chung sống trên địa bàn tỉnh, đồng thời mang đến sự mới mẻ trong đa dạng sản phẩm phục vụ du lịch ở địa phương.”
Trong khi đó, tại huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum đã xây dựng được hai làng du lịch cộng đồng là làng Kon Pring và làng Vi Rơ Ngheo. Đây là hai mô hình được chính quyền địa phương xây dựng tương đối thành công khi mỗi năm đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm. Mục tiêu Vi Rơ Ngheo theo đuổi là điểm đến hấp dẫn và đạt chuẩn ASEAN.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định "Du lịch cộng đồng không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc trên địa bàn tỉnh."
>>Bảy giải pháp đột phá giúp ngành du lịch phát triển năm 2024
Hiện nay, 5 tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng được trên 50 ngôi làng du lịch cộng đồng với nhiều màu sắc, đặc trưng, và hướng phát triển. Theo thống kê, năm 2023, tỉnh Lâm Đồng cán mốc hơn 8,6 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 15.500 tỷ đồng. Đắk Lắk thu hút 1,16 triệu lượt khách (tăng trên 16%), tổng thu từ khách du lịch đạt 925 tỷ đồng; Gia Lai thu hút 1,2 triệu lượt khách (tăng 25%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 790 tỷ đồng; Kon Tum thu hút trên 1,3 triệu lượt khách (tăng gần 22%), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 520 tỷ đồng.
Tại Hội thảo khoa học Phát triển bền vững du lịch văn hóa và du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay, diễn ra cuối năm 2023 tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng du lịch Tây Nguyên cần phát triển đúng tiềm năng, vị thế vốn có. “Du khách hiện nay có xu thế hướng đến giá trị sinh thái, giá trị xanh, các giá trị an toàn về cộng đồng. Tây Nguyên là vùng đất vô cùng phù hợp để phát triển các giá trị đó, nhất là mô hình du lịch sinh thái và mô hình du lịch cộng đồng,” ông Dũng nhận xét.
Theo Cục du lịch Quốc gia đánh giá du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên được đánh giá là hoạt động không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần bảo tồn, tôn vinh nét văn hóa truyền thống bản địa, tạo sinh kế cho người dân trong khu vực.
Có thể bạn quan tâm
“Xanh hoá” du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ
02:00, 23/02/2024
Hoàn thiện “mảnh ghép” phát triển du lịch cộng đồng ở Nghệ An
02:30, 14/03/2024
Phát triển du lịch cộng đồng của làng nghề dệt đũi hàng trăm năm tuổi
01:00, 18/02/2024
Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng
04:59, 15/02/2024
Điểm mấu chốt để phát triển du lịch cộng đồng
03:00, 14/01/2024