Xuất khẩu bền vững
Cộng đồng doanh nghiệp đã chuyển sang giai đoạn hành động và xu hướng này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2024 để xanh hoá sản xuất, giảm phát thải carbon.
>>Xuất khẩu sang Mỹ: 3 phương thức cơ bản cần lưu ý
Ngay từ quý 1/2024, xuất khẩu - một trong những trụ cột tăng trưởng chính của nền kinh tế, đã có những tín hiệu khởi sắc, trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang có giá tốt, cơ hội tốt trên thị trường toàn cầu.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, 3/4 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao là hàng công nghiệp chế biến tăng 17,7%; hàng nông sản, lâm sản ước tăng 43,1% và hàng thủy sản tăng 22,3%.
Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng gấp hơn 2 lần so với mức tăng của khu vực FDI (33,3% so với 14,7%) cho thấy năng lực của các doanh nghiệp đã cải thiện nhiều nhờ sự thích ứng và tận dụng được cơ hội thị trường. Chuỗi cung ứng mà trước đây chúng ta mong muốn sản xuất ở Việt Nam đã bắt đầu được hình thành, giúp doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng xuất khẩu, nhất là tại các thị trường mới, thị trường đòi hỏi yêu cầu cao.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM cho biết: Lạm phát toàn cầu đang giảm, một số tồn kho với mặt hàng lương, thực thực phẩm trên thế giới giảm, doanh nghiệp trong Hội đã nhận đơn hàng mới từ các đối tác trên thế giới, có doanh nghiệp ổn định đơn hàng đến đầu quý 2, có doanh nghiệp ổn định đến 6 tháng. Ở các ngành hàng khác thuộc nhóm nông lâm sản như cà phê, trái cây… cũng đang bứt tốc cả về giá bán lẫn đơn hàng.
Thông tin từ các tham tán thương mại Việt Nam tại nhiều thị trường lớn cho thấy, xu hướng phát triển bền vững, tiêu dùng sản phẩm hàng hoá “xanh” giảm “dấu chân” carbon ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ là đòi hỏi, yêu cầu của người tiêu dùng, các quốc gia lớn đã thể chế “xanh” thành quy định pháp luật có hiệu lực thực thi từ năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, ngoài Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), quy định chống mất rừng (EUDR) cũng có hiệu lực trong năm nay. Ngoài ra, quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may hay hạn chế rác thực phẩm trong Fark to fork cũng dự kiến có hiệu lực đòi hỏi các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu tham gia chuỗi cung ứng phải chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trước thay đổi trên, cộng đồng doanh nghiệp đã chuyển sang giai đoạn hành động và xu hướng này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2024 để xanh hoá sản xuất, giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cần những các chính sách mang tính chiến lược của Nhà nước như hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến chuyển đổi xanh, chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh; chính sách tín dụng dẫn nguồn vốn xanh...
Cùng với đó là xây dựng và thực thi hiệu quả quy hoạch vùng nguyên liệu, khu công nghiệp sản xuất; đẩy nhanh việc hình thành các sàn giao dịch, nhất là với các mặt hàng nông sản có thể mạnh để thông qua giao dịch trên sàn loại bỏ qua các tầng lớp trung gian, đồng thời đòi hỏi các nhà sản xuất, cung ứng phải thông tin minh bạch hơn, rõ ràng hơn.
Có thể bạn quan tâm