Gia tăng giá trị dược liệu xuất khẩu Việt Nam
Thay vì xuất thô hoặc chế biến thông thường, Vinasamex quyết định đồng hành cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng và thương hiệu để gia tăng giá trị xuất khẩu.
>>Câu chuyện khởi nghiệp của nữ giáo viên với sản phẩm tinh dầu dược liệu
Trao đổi với DĐDN, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc điều hành Công ty CP sản xuất và xuất khẩu quế hồi (Vinasamex) cho biết, Vinasamex định vị sẽ là doanh nghiệp TOP 10 trong lĩnh vực gia vị, thực phẩm và dược phẩm toàn cầu và mở rộng sản xuất trong nước. Dự kiến, Vinasamex tăng diện tích trồng quế, hồi hữu cơ từ 4.200 ha lên ít nhất 10.000 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Sau hơn 10 năm phát triển, Vinasamex đã đạt được bao nhiêu phần trăm mục tiêu ban đầu, thưa bà?
Khi mới khởi nghiệp, cũng như những doanh nghiệp khác, tôi mong muốn kinh doanh thuận lợi và có lợi nhuận. Sau một thời gian hoạt động, mục tiêu của chúng tôi đã thay đổi. Vinasamex xác định phát triển theo con đường nông nghiệp bền vững, cung ứng sản phẩm đạt được chứng nhận quốc tế để nâng cao giá trị cao. Quan trọng hơn, chúng tôi mong muốn tạo ra những điều khác biệt cho địa phương. Đến thời điểm hiện nay, nếu để đo lường, Vinasamex không nhìn vào lợi nhuận hay doanh thu. Niềm tự hào chúng tôi muốn chia sẻ là Vinasamex đã giúp được gì cho những người xung quanh mình thông qua mô hình kinh doanh này. Tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được kỳ vọng và đâu đó đã vượt quá kỳ vọng so với mục tiêu ban đầu đặt ra khi Vinasamex chuyển đổi mô hình.
- Khó khăn nào trong khởi nghiệp đã khiến Vinasamex thay đổi chiến lược kinh doanh?
Vinasamex đi vào hoạt động năm 2012 với hoạt động kinh doanh tại trường trong nước, sau đó xuất khẩu trực tiếp và xây dựng thương hiệu tại thị trường Ấn Độ. Với số vốn có được từ những dự án kinh doanh trước, chúng tôi mua hồi với mức giá đỉnh điểm là 120.000 đồng/kg. Sau khi bán được 3 container có lãi, số hàng còn lại phải để trong kho vì Ấn Độ dừng mua hàng. Một năm sau, họ mua trở lại nhưng giá bán chỉ được bằng 1/3 giá nhập. Từ bài học xương máu phải trả giá bằng rất nhiều tiền, chúng tôi xác định không thể phụ thuộc vào một thị trường chỉ quan tâm về giá thành thay vì giá trị. Chúng tôi phải thay đổi, chú trọng vào chất lượng, tìm kiếm thêm thị trường và khách hàng tiềm năng khác.
Định hướng kinh doanh được thay đổi bắt đầu năm 2013. Thay vì chế biến thông thường, thay vì mua hàng khô, chúng tôi quyết định xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ đầu, sản xuất theo nhu cầu của khách hàng.
- Khi lỗ đến hơn chục tỷ đồng, bà có muốn bỏ cuộc?
Tôi hiểu trong kinh doanh không phải lúc nào cũng có lợi nhuận nhưng điều đó không làm tôi muốn bỏ cuộc. Khi đưa hàng sang Ấn Độ rồi Bangladesh, chúng tôi đã thoả thuận với đối tác đơn hàng 10 contenner với mức giá 2.500 USD/tấn. Khi giao được 5 contenner hàng và giao cho những khách khác, trong kho cạn hàng, chúng tôi tiếp tục mua hàng về sản xuất thì giá nguyên liệu tăng gấp đôi so với thời điểm chốt giá khiến cho chúng tôi lỗ 500 USD/tấn.
Đó là một kỷ niệm khó quên. Lúc đó sức ép đến từ nhiều phía khiến chúng tôi vừa mệt mỏi vừa tự hỏi mình đã đi đúng đường chưa. Nhưng, khó khăn không làm tôi nản. Vinasamex đã chia sẻ với khách hàng về tình hình giá cả hiện tại và may mắn họ đã sẵn sàng chia sẻ 50%. Tôi nhận được bài học là không bao giờ trốn tránh, luôn thẳng thắn và đi vào giải quyết vấn đề.
- Kế hoạch của Vinasamex trong thời gian tới là gì, thưa bà?
Vinasamex định vị là doanh nghiệp TOP 10 trong lĩnh vực gia vị, thực phẩm và dược phẩm toàn cầu. Khi định vị như vậy, có nhiều thứ phải làm. Vinasamex không chỉ dừng lại ở việc hợp tác với 3.000 hộ nông dân và canh tác 4.200 ha. Xuất phát từ tình yêu và sứ mệnh ban đầu, chúng tôi tiếp tục mở rộng phát triển, dự kiến hợp tác với 10.000 hộ nông dân, nâng diện tích quế, hồi hữu cơ lên ít nhất là 10.000 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm quế hồi của chúng tôi đã xuất sang thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc và sẽ đi xa hơn nữa.
“Sâm, nhung, quế, phụ” là bốn loài dược liệu quý của Việt Nam. Để gia tăng giá trị của 4 loại dược liệu quý này, chỉ chế biến sâu, thương hiệu của Việt Nam mới đủ mạnh trên thế giới. Vinasamex đang tiếp tục xây dựng những nhà máy mới, sử dụng công nghệ cao để tạo ra những tinh chất từ dược liệu này để phục vụ cho các tập đoàn dược phẩm lớn trên thế giới.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm