Nhà ở xã hội - những khó khăn từ hai phía

NHẬT QUANG 19/03/2024 14:12

Nhà ở xã hội cần đi kèm cơ sở hạ tầng đầy đủ tiện ích. Chủ doanh nghiệp xây dựng thì cần đất sạch, chính sách cởi mở, tiếp cận vốn vay ưu đãi.

>>Giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Được mời đi dự tham gia Hội nghị Người lao động, tôi tình cờ gặp lại người cháu cùng quê lâu rồi không gặp. Từ câu chuyện của người cháu đang làm việc tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) kể, tôi càng thấu hiểu mong mỏi có chỗ ở ổn định đúng nghĩa “điểm hẹn an cư” của rất nhiều lao động đang làm việc thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Với người như cháu tôi, việc gắn bó làm việc lâu dài với công ty, ngoài chế độ lương, thưởng, phúc lợi hợp lý, thì chỗ ở là điều kiện tối quan trọng. Để tiết kiệm thời gian di chuyển, có thời gian nghỉ ngơi phục hồi sức khoẻ sau khi làm việc, đặc biệt với những công nhân làm việc ở xưởng sản xuất, phải làm việc theo ca, sáng, chiều hoặc ca đêm, thì nhà ở xã hội là nơi mà những người như cháu tôi mong muốn được sở hữu để “an cư lạc nghiệp”.

d

Nhà ở xã hội cần đi kèm cơ sở hạ tầng đầy đủ tiện ích. 

Hải Phòng hiện có gần hai trăm ngàn lao động đang làm việc trong khu kinh tế, phần lớn là làm việc trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI). Có tới hàng vạn lao động trong số đó chưa có nhà ở, phải sống trong nhà trọ dân sinh chật chội, ẩm thấp, kém vệ sinh, an ninh và không ít tệ nạn. 

Hải Phòng rất tích cực trong việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội. Khu Hoàng Huy - An Đồng thuộc huyện An Dương thành công vang dội với tỉ lệ lấp đầy nhanh chóng. Thêm nhiều dự án nữa đang được triển khai xây dựng như khu nhà ở xã hội Máy Chai đường Lê Thánh Tông, khu nhà ở xã hội thuộc khu công nghiệp V- Ship (Việt Nam - Singapore), hay những mô hình ký túc xá như của Công ty LG thuộc khu công nghiệp Tràng Duệ.

Thế nhưng khi có trong tay căn hộ nhà ở xã hội, hay được ở trong ký túc xá của công ty thì khó khăn cũng bắt đầu nảy sinh. Cháu tôi kể: Vì lấy vợ, lấy chồng, chuẩn bị sinh em bé nên bạn bè của cháu lại phải rời khu ký túc xá của công ty để chuyển ra ngoài ở, bởi không thể sinh hoạt cùng anh chị em đồng nghiệp khi có em bé, bỉm sữa, quấy khóc cả ngày được. Cặp đôi nào may mắn được gia đình hỗ trợ, được sở hữu căn hộ nhà ở xã hội thì lại phải sấp ngửa lo tìm chỗ gửi con, đi chợ, nấu ăn, trong khi vẫn phải đảm bảo thời gian cho công việc.

Nếu khu nhà ở xã hội không có tiện ích như siêu thị, hệ thống trường học từ mẫu giáo tới tiểu học, khu vui chơi giải trí, khu xử lý vấn đề về y tế không kết nối thuận tiện về giao thông để đi làm…, thì người ở, người mua lại gặp đủ mọi vấn đề.

Muốn có đầy đủ chi tiết tiện ích cho khu nhà ở xã hội, theo chuyên gia xây dựng cần diện tích tới 30 ha để quy hoạch hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Mà với diện tích lớn như vậy thì lại ảnh hưởng tới quy hoạch chung liên quan đến quỹ đất của địa phương. Thành ra chỉ khu nhà ở xã hội có vị trí đắc địa mới thu hút được sức mua, buồn thay, phần lớn những điểm này lại bị giới đầu cơ mua đầu tư gần hết. Sau đó họ sang tên chuyển nhượng lấy chênh lệch và khi nhà ở xã hội thực sự đến tay người dùng thực sự thì giá bán đã bị thương mại hoá lên rất nhiều.

>>Ưu đãi khác biệt phát triển nhà ở xã hội cho thuê

Chủ trương chính sách về dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội là cực kỳ đúng đắn, nhân văn của Nhà nước và Chính phủ, nhưng để thực hiện thành công trọn vẹn thì cần sự đồng hành, đồng bộ quyết tâm của cả hệ thống chính trị khi doanh nghiệp vẫn e ngại, dè chừng với dự án nhà ở xã hội.

Không thể ép doanh nghiệp đầu tư vì họ còn phải lo phát triển doanh nghiệp của họ, dự án phải có lợi nhuận để họ duy trì, họ không phải nhà từ thiện đi xây nhà rồi cho, hiến, tặng. Muốn họ tham gia thì chính sách phải đi trước phát quang mở đường thông thoáng.

Địa phương phải tạo được mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, mời họ vào đầu tư, cho họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi bằng hệ thống ngân hàng thuộc Nhà nước. Ngân hàng thương mại là doanh nghiệp tư nhân cho vay ưu đãi xây nhà ở xã hội thì họ không có lợi nhuận để tồn tại nên chắc chắn họ không cho vay, cũng không thể dùng cơ chế để ép họ vì đó là bất công bằng. Chưa kể, bây giờ ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn về tiền có mà không có người vay để sản xuất kinh doanh, “lạm phát ngược” khi lãi suất gửi và vay đều rất thấp trong khi giá USD, vàng thì cao vọt dựng đứng, giá cả mặt hàng dùng cho đời sống sinh hoạt đều chạy trước việc tăng lương.

Việc áp đặt tiêu chuẩn thu nhập 15 triệu đồng/tháng đối với đối tượng được xét mua nhà ở xã hội cần linh hoạt hơn. Chính mức trần thu nhập này sẽ làm doanh nghiệp xây dựng e ngại. Chẳng ai muốn “thả gà ra đuổi”, cho người làm ra ít tiền vay chắc chắn sẽ lo lắng hơn việc cho người năng động làm ra nhiều tiền vay để mua nhà ở xã hội.

Khó khăn đến từ cả phía người lao động khi nhà ở xã hội cần đi kèm cơ sở hạ tầng đầy đủ tiện ích, chủ doanh nghiệp xây dựng thì cần đất sạch, chính sách cởi mở, tiếp cận vốn vay ưu đãi, việc đảm bảo lợi nhuận có tính khả thi cao.

Bài toán khó giải này rất cần đến chính sách đúng đắn hợp lý, vẹn tình từ cơ quan quản lý nhà nước và để giải được bài này cần sự đoàn kết chung tay của các cấp, các ngành chứ không phải của riêng ai.

Có thể bạn quan tâm

  • Lãi suất vay mua nhà ở xã hội như thế nào là hợp lý?

    14:13, 19/03/2024

  • Giải pháp tăng nguồn cung nhà ở xã hội

    11:20, 18/03/2024

  • Ưu đãi khác biệt phát triển nhà ở xã hội cho thuê

    03:00, 18/03/2024

  • Tỷ suất sinh lời không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nhà ở xã hội

    15:25, 17/03/2024

  • Đề xuất kéo dài thời gian vay mua nhà ở xã hội

    05:00, 17/03/2024

NHẬT QUANG